Đền thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu nằm ngay cửa biển, cách Quốc lộ 1 khoảng 8 km về phía đông, thuộc xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều du khách.
Theo sử sách, Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu quê ở Hải Hậu - Nam Định. Bà là con gái đầu của đại thần Nguyễn Tướng Công nổi tiếng thanh liêm. Cô gái Bích Châu càng khôn lớn càng đẹp người đẹp nết, văn võ song toàn.
Vào năm 1373, vua Trần Duệ Tông chọn người hiền tài, các cô gái từ 16 đến 18 tuổi đều phải hồi triều tham dự. Bích Châu trúng tuyển vào bậc nhất, được phong "Tả cung Quý phi".
Trong quá trình sinh sống trong cung vua, hằng ngày chứng kiến nhà Trần sa sút, Quý phi Bích Châu đã soạn thảo "Kê Minh thập sách" (10 kế sách trị nước), với nội dung ngắn gọn, súc tích:
- Một, năng giữ cỗi gốc của nước, trừ hà bạo thì lòng người yên vui.
- Hai, giữ nếp cũ, bỏ phiền nhiễu thì kỷ cương không rối.
- Ba, nén chặt kẻ quyền thần để ngăn ngừa chính sự mục nát.
- Bốn, thải bớt những kẻ nhũng lạm để trừ tệ khoét đục của dân.
- Năm, xin cổ động nho phong, khiến cho lửa bó đuốc cùng với ánh mặt trời cùng soi sáng.
- Sáu, mở đường cho người nói thẳng, để cho cửa thành cùng với đường can gián mở toang.
- Bảy, cách kén quân nên chú trọng vào dũng lực hơn là cao lớn.
- Tám, chọn tướng nên cầu người thao lược mà không căn cứ vào thế gia.
- Chín, khí giới quý hồ bền chắc, không chuộng hình thức.
- Mười, trận pháp cốt cho chỉnh tề, cần chi điệu múa.
Đến năm 1377, trong lúc hộ giá vua Trần Duệ Tông đem quân đi chinh phạt Chiêm Thành, Quý phi Bích Châu vì bảo vệ vua nên bị trúng tên độc và mất ngày 11-2. Chỉ 3 ngày sau, vua Trần Duệ Tông cũng băng hà, phần vì thua trận, phần vì thương nhớ quý phi mà lâm bệnh.
Sau khi vua Trần Duệ Tông qua đời, vua Trần Phế Đế lên ngôi, ra lệnh đưa linh cữu Quý phi Bích Châu về triều bằng đường biển để mai táng. Tuy nhiên, lúc đến vùng biển Ô Tồn, Châu Hoan (nay thuộc khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh), thuyền gặp phải mưa to, gió lớn nên không thể đi tiếp. Vua bèn xuống chiếu cho an táng thi hài bà tại đây và lập miếu thờ tại cửa biển Kỳ Hoa (nay thuộc xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh) để người dân thờ phụng, hương khói.
Hơn 90 năm sau, vào năm 1470, trong lúc dẫn quân đi chinh phạt Chiêm Thành, khi đến cửa biển Kỳ Hoa, vua Lê Thánh Tông phát hiện ngôi miếu này. Sau khi dò hỏi dân chúng địa phương và được biết đây là miếu thờ Quý phi Bích Châu, vua Lê Thánh Tông vào dâng hương rồi viết 4 chữ "Nữ trung hào kiệt" dán lên bài vị.
Cũng theo sử sách ghi lại, lúc đó vua Lê Thánh Tông đã nói: "Tiền triều người là bậc cứu quốc anh hùng vì nước, vì vua mà vong thân. Nay, ta cũng vì nước bảo toàn bờ cõi mà đi dẹp giặc, có linh thiêng thì giúp trẫm kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công. Khi bản sứ về triều, trẫm sẽ khởi công lập miếu phong tặng".
Ngoài ra, để ghi nhớ công ơn Quý phi Bích Châu, vua ban chiếu sắc phong cho đền là Chế Thắng Phu nhân. Đền được xây dựng vào thế kỷ XIV, tọa lạc trên một cồn cát cao và khá rộng với diện tích hơn 26.000 m2. Trải qua hàng trăm năm, kiến trúc ngôi đền phần nào mai một. Song, đây vẫn là một di tích lịch sử mang nhiều ý nghĩa `.
Bà Hồ Minh Hằng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Kỳ Anh, cho biết đền thờ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu là một điểm đến giàu giá trị văn hóa, lịch sử.
"Chính quyền địa phương đang từng bước kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng nơi đây thành khu du lịch tâm linh, sinh thái, trải nghiệm làng nghề và nghỉ dưỡng" - bà Hằng nói.
Bình luận (0)