Hiện nay, công tác cán bộ được thực hiện qua các bước, các khâu như kê khai tài sản, lấy ý kiến cơ quan, địa phương nơi cư trú, xác minh... khá chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có không ít cán bộ sau khi được đề bạt, bổ nhiệm thì phát hiện các sai phạm rất nghiêm trọng, thậm chí bị khởi tố, bắt giam.
Do đó, vấn đề quan trọng, cấp bách hiện nay là có biện pháp quản lý chặt chẽ, hữu hiệu hơn trong công tác cán bộ. Theo đó, cần công khai, minh bạch các bước, các quy trình nhân sự được lựa chọn đề bạt để người dân, cơ quan, tổ chức liên quan biết để cho ý kiến, nhận xét, đánh giá, giám sát, phản ánh đối với từng trường hợp cụ thể trước khi bổ nhiệm.
Tương tự cách làm trong công tác thi đua, khen thưởng thành tích cao hiện nay như tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động...
Một cá nhân thường có quá trình làm việc, cống hiến, sinh hoạt trong thời gian khá dài nên khi công khai cho toàn thể người dân giám sát, cho ý kiến là rất quan trọng, sát thực nhất. Bởi "không ai có thể qua mặt được nhân dân", nhân dân biết khá rõ trình độ, năng lực, phẩm chất, lối sống của cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, khi đã làm tốt việc công khai quy trình lấy ý kiến, nhân sự đề bạt, bổ nhiệm thì cũng cần rút ngắn thời gian quy trình công tác cán bộ, thậm chí rút ngắn các bước, các khâu như hiện nay. Như vậy vừa công khai, minh bạch để người dân giám sát, lựa chọn, cho ý kiến đối với nhân sự lãnh đạo các cấp; đồng thời giảm bớt thời gian, công sức hơn khi phải qua nhiều khâu, quy trình nhưng vẫn không hiệu quả, chặt chẽ.
Cần công khai các quy trình trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là ở địa phương, cơ sở. Điều này giúp Đảng và Nhà nước lựa chọn được đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất, đủ đức, đủ tài để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, hạn chế tối đa những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Bình luận (0)