Bộ tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ (CENTCOM) tuyên bố căn cứ Ain al-Asad bị tấn công bởi nhiều tên lửa đạn đạo và rocket bắn từ bên trong Iraq. Tuyên bố không xác nhận mức độ thương tích của nhân sự Mỹ nhưng cho biết các thành viên quân đội Mỹ đều được kiểm tra chấn thương não.
CENTCOM thông báo "đang đánh giá thiệt hại" và nói thêm rằng cuộc tấn công xảy ra vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 20-1 (theo giờ địa phương).
Trước đó, một quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng một số quân nhân Mỹ bị thương nhẹ và một người thuộc lực lượng an ninh Iraq bị thương nặng.
Báo cáo ban đầu cho thấy căn cứ này bị tên lửa đạn đạo tấn công. Rocket cũng có thể đã được sử dụng. Phần lớn tên lửa bị đánh chặn nhưng vẫn có một số quả đánh trúng căn cứ Ain al-Asad.
Trong khi đó, một nguồn tin an ninh Iraq cho biết căn cứ Ain al-Asad ở tỉnh miền Tây Anbar bị ít nhất 15 tên lửa tấn công. Nguồn tin tiết lộ các tên lửa được phóng từ TP Albaghdadi của Iraq mà không cung cấp thêm thông tin.
Ông Yahya Rasool, người phát ngôn của Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Iraq, xác nhận vụ tấn công đã làm một binh sĩ Iraq bị thương và gây thiệt hại vật chất.
Cũng trong ngày 20-1, quân đội Mỹ tiếp tục phá hủy một tên lửa chống hạm của Houthi sắp phóng vào vịnh Aden.
CENTCOM tuyên bố trên X (Twitter): "Mỹ xác định tên lửa gây ra mối đe dọa cho tàu buôn và tàu Hải quân Mỹ trong khu vực, sau đó tấn công và phá hủy tên lửa để tự vệ".
Theo CENTCOM, đây là vụ việc mới nhất trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đỏ và vịnh Aden, vốn đang làm gián đoạn thương mại toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về tắc nghẽn nguồn cung.
Trước đó vào cuối ngày 19-1, CENTCOM tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào 3 tên lửa chống hạm của Houthi mà họ cho là chuẩn bị phóng vào phía Nam biển Đỏ.
Trước tình hình căng thẳng ở biển Đỏ, Ả Rập Saudi bày tỏ quan ngại những cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và lực lượng Houthi có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, leo thang thành xung đột trong khu vực.
Hoàng tử Faisal bin Farhan đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi phát biểu trên đài CNN ngày 20-1: "Chúng tôi rất lo lắng. Chúng ta đang ở thời điểm khó khăn và nguy hiểm trong khu vực và đó là lý do vì sao chúng tôi kêu gọi giảm leo thang".
Hoàng tử Faisal bin Farhan nêu rõ nước này tin vào tự do hàng hải và muốn căng thẳng trong khu vực giảm bớt.
Bình luận (0)