Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 17 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 26 năm 2021 về danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, có hiệu lực từ ngày 10-12-2024.
Theo Quyết định số 17, danh mục ngành, lĩnh vực đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần, nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm: Khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch; thoát nước đô thị, nông thôn; Kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; Kiểm định xây dựng; Kiểm định kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa (trừ lĩnh vực đăng kiểm tàu biển và công trình biển).
Quyết định cũng yêu cầu rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý (bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt tại danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn trước năm 2021 nhưng chưa có quyết định công bố giá trị đơn vị) đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 150 năm 2020 của Chính phủ và thuộc ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 2 Quyết định này, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2021 - 2025 trong Quý IV năm 2024.
Điểm đáng chú ý, khác với giai đoạn trước, các trung tâm đăng kiểm là đơn vị sự nghiệp công lập có thể cổ phần 100% vốn tư nhân thì theo quy định hiện nay, chỉ cổ phần tối đa 49% vốn tư nhân, nhà nước vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 150 năm 2020 quy định điều kiện để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần là đơn vị phải có vốn và tài sản, là pháp nhân độc lập, có báo cáo tài chính 3 năm, tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo được chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi (tức là hoạt động có lãi). Khi đơn vị đủ điều kiện này, chủ sở hữu lên kế hoạch, lộ trình cổ phần hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, được phê duyệt mới được tổ chức thực hiện.
Theo đại diện Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, với mô hình hiện nay, các trung tâm đăng kiểm khối V (thuộc Bộ GTVT) không là đối tượng thuộc Quyết định số 17 năm 2024 để chuyển đổi mô hình cổ phần hóa. Đối với các trung tâm đăng kiểm địa phương (thuộc UBND tỉnh) là đơn vị sự nghiệp công lập sẽ phải triển khai theo Quyết định này khi đủ điều kiện.
Theo thống kê, cả nước hiện có 292 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới với 542 dây chuyền, trong đó 69 đơn vị khối S và 13 đơn vị khối V, còn lại là các trung tâm đăng kiểm tư nhân. Có 10 địa phương đã thực hiện cổ phần hóa trung tâm đăng kiểm trong thời gian qua, gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Sơn La, Bến Tre, Hậu Giang, Quảng Nam, Bắc Kạn, Hải Dương.
Theo các đơn vị đăng kiểm, việc cổ phần hóa sẽ giúp tạo môi trường bình đẳng giữa các trung tâm đăng kiểm, đồng thời, tạo ra xu hướng nâng cao chất lượng dịch vụ.
Bình luận (0)