TP HCM hiện chỉ có 8 điểm đón, trả khách phục vụ vận tải hành khách tuyến cố định, trong khi đó có đến 84 điểm đón, trả khách không đúng quy định. Việc mở thêm các điểm đón, trả khách để bảo đảm nhu cầu của hành khách đang được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM tính toán.
Tạo thuận tiện cho hành khách
Là tuyến đường chính để các phương tiện lưu thông từ các tỉnh miền Tây về miền Đông, về miền Trung nhưng dọc Quốc lộ 1 (từ quận Bình Tân đến TP Thủ Đức) chỉ có 2 điểm đón, trả khách dành cho xe tuyến cố định.
Ghi nhận tại điểm đón, trả khách trước KCX Linh Trung, TP Thủ Đức cho thấy lượng khách tập trung tại đây khá đông, thường xuyên túc trực khoảng 10 người. Cùng 2 con gái đón xe về quê, chị Nguyễn Thanh Quế (tỉnh Quảng Nam) cho biết: "Tôi làm công nhân trong KCX Linh Trung, mỗi lần về quê đều hẹn nhà xe ngay trước KCX nên rất thuận tiện. Trước đây, khi chưa có điểm đón này, nhà xe vẫn hẹn khách ở đây nhưng hồi hộp lắm vì mỗi lần xe tấp vào, mọi người phải lên xe nhanh do nhà xe sợ bị công an phạt. Nay xe dừng hẳn, cho hành khách khoảng 2-3 phút để lên xe nên rất an tâm".
Tuy nhiên, theo chị Quế, dọc Quốc lộ 1 có rất nhiều công ty, chợ đầu mối, KCN, làng đại học, nhu cầu đi lại của người dân về các tỉnh rất lớn nhưng dọc tuyến chỉ có một điểm đón, trả khách thì quá ít. Cơ quan chức năng cần xem xét bố trí thêm một số điểm tạo thuận tiện cho hành khách đi lại.
Khu vực đón, trả khách có bảng nhận diện "Điểm đón, trả khách tuyến cố định", bố trí sát bên lề đường với diện tích khoảng 100 m2. Anh Tuấn, bán nước giải khát gần đó, cho hay điểm đón, trả khách này khá thuận tiện cho hành khách đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Tương tự, tại điểm đón, trả khách trên xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức) được bố trí rộng rãi, thông thoáng, xe khách ra vào trật tự do tuyến đường khá rộng. Đón xe về tỉnh Đồng Nai, ông Ngô Minh Trí nói nhờ các điểm đón, trả khách như thế này mà người dân có chỗ ngồi tử tế, được che nắng, che mưa khi đón xe.
Cũng tại TP Thủ Đức, trên tuyến đường Mai Chí Thọ có 2 điểm đón, trả khách (hướng từ giao lộ Trần Não đến cầu Cá Trê Lớn và ngược lại ở phía đối diện). Theo quan sát của phóng viên, so với các địa điểm đón, trả khách khác thì ở 2 vị trí này được đầu tư khá hơn. Theo đó, dãy nhà chờ điểm đón, trả khách này khá dài và rộng. Mang theo hành lý, đón xe về quê cùng bạn, chị Lê Thùy Vy (quê Khánh Hòa) bày tỏ nhờ có điểm đón, trả khách này mà hành khách không còn cảnh ngồi gốc cây, lề đường để đón xe nữa. "Mưa, nắng cũng không bị ảnh hưởng, điểm đón xe có ghế ngồi, có nước uống" - chị Vy nói.
Tám điểm đón, trả khách cho tuyến cố định dần đi vào nền nếp, tuy nhiên vào giờ cao điểm, dòng phương tiện lưu thông trên tuyến đường thuộc TP Thủ Đức rất đông, việc các xe đón, trả khách dừng lại, rẽ vào khu vực nhà chờ cũng gây ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường.
Hạn chế "xe dù, bến cóc"
Việc mở thêm điểm đón, trả khách cho xe tuyến cố định trên địa bàn TP HCM đang được Sở GTVT cùng các địa phương khảo sát.
Đại diện Sở GTVT TP HCM cho biết mục đích bổ sung điểm đón, trả khách làm sao vừa đáp ứng nhu cầu người dân đi xe tuyến cố định vừa bảo đảm an toàn giao thông cho người đi đường. Do đó, việc khảo sát phải kỹ lưỡng, thận trọng. Chưa kể, khi mở điểm phải có sự phối hợp của lực lượng chức năng địa phương nhằm giám sát, theo dõi và ổn định an ninh trật tự, an toàn giao thông khi phương tiện ra vào đông đúc.
Ông Nguyễn Đăng Tấn Ái, Phó Giám đốc HTX Xe khách liên tỉnh và Du lịch Miền Đông - đơn vị có nhiều tuyến xe đi các tỉnh miền Trung hoạt động tại Bến xe Miền Đông mới, nhận định việc mở thêm các điểm đón, trả khách cho xe tuyến cố định là rất cần thiết, nhất là dọc tuyến Quốc lộ 1. Vì đây là trục xương sống, các nhà xe từ miền Tây đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.
"Nếu có thêm các điểm đón, trả khách này, hành khách có thể tiếp cận các nhà xe trong bến thuận tiện hơn thay vì bỏ bến ra ngoài đi "xe dù". Nếu sợ mất an toàn giao thông, cơ quan chức năng nghiên cứu cho xe trung chuyển đón, trả khách tại các vị trí bổ sung này, miễn sao giúp hành khách đến bến xe an toàn, tiết kiệm" - ông Ái đề xuất.
ThS Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP HCM, cho rằng với địa bàn thành phố rộng hơn 2.000 km2 với hàng chục cửa ngõ, trên dưới 300 tuyến xe liên tỉnh ra vào các bến xe lớn thì với 8 điểm đón, trả khách là quá ít.
Nhưng thực tế, đất ở đô thị TP HCM là đất vàng, việc tìm được một vị trí thuận lợi để xây dựng các điểm đón, trả khách thật sự không dễ dàng. Vì sự phát triển của thành phố, đáp ứng nhu cầu của người dân, hạn chế tình trạng "xe dù, bến cóc" bát nháo nhiều năm, ngành GTVT phải sử dụng nhiều phương án để thiết lập và công bố thêm những điểm đón, trả khách này.
"Theo tôi, để có thể nhanh chóng bổ sung hệ thống những điểm đón, trả khách, ngành GTVT nên yêu cầu các doanh nghiệp, HTX chạy các tuyến liên tỉnh đăng ký những điểm đón, trả khách trên từng tuyến, sau đó lọc lại và tập hợp thành trục tuyến cụ thể. Trên cơ sở danh sách đề xuất này, các sở, ban ngành cùng địa phương khảo sát, thống nhất trình UBND TP HCM để công bố điểm đón, trả khách" - ông Tính cho hay.
Ông Tính cũng đề xuất sau khi có điểm đón, trả khách thì Sở GTVT thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra và giao hẳn cho các đơn vị vận tải của tuyến ấy quản lý. Nếu là bến bãi nhỏ, có thể giao cho đơn vị vận tải lớn trên trục tuyến quản lý. Nếu là bến bãi quy mô lớn, nên xem xét giao cho bến xe thuộc khu vực trục tuyến quản lý.
84 điểm đón, trả khách không đúng quy định
Báo cáo mới nhất của Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho thấy toàn thành phố hiện có 84 điểm dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng quy định. Trong đó, quận 1 có 8 điểm, quận 5 có 18 điểm, quận 10 có 11 điểm, TP Thủ Đức có 23 điểm, Tân Bình có 7 điểm, Bình Thạnh 5 điểm...
Các điểm đón, trả khách này đa số thuộc các nhà xe chạy tuyến liên tỉnh như: Toàn Thắng, Hoa Mai, Tâm Hạnh, Hạnh Café, Long Vân, Đệ Nhất, Hai Trâm, Thành Công, Hà Phương, Kumho Samco, Năm Thùy, Tiến Oanh...
Bình luận (0)