Chỉ trong vài ngày, giá vàng SJC biến động với biên độ rất mạnh, tăng giảm 5-7 triệu đồng mỗi lượng. Người dân vẫn đổ xô nhau mua bán khiến thị trường trở nên bất ổn. Để ổn định thị trường, sáng nay (14-5), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng. Tuy vậy, một số chuyên gia nhận định giá vàng vẫn rất khó đoán sau đấu thầu.
"Loạn giá" sau các phiên đấu thầu
Theo thông báo của NHNN, khối lượng đấu thầu trong phiên sáng nay vẫn là 16.800 lượng nhưng khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt giảm còn 5 lô, tức 500 lượng, thay vì mức 700 lượng của phiên thứ 5 và 1.400 lượng của 4 phiên đầu tiên.
Riêng giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc vẫn khá cao, lên tới 88 triệu đồng. Tuy nhiên, NHNN cho biết giá này chỉ phục vụ việc tính đặt cọc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số doanh nghiệp (DN), NH thương mại cho biết họ đủ điều kiện dự thầu nhưng đã giảm bớt sự quan tâm vào các phiên đấu thầu, bởi dù khối lượng đấu thầu tối thiểu đã hạ chỉ còn 500 lượng nhưng giá tham chiếu để tính giá đặt cọc và giá khởi điểm trong những phiên vừa qua vẫn rất cao, cao hơn giá họ mua từ thị trường. "Nếu cứ để giá cao sẽ rất khó để hạ nhiệt thị trường. Thực tế thị trường gần đây có vẻ giảm bớt sự quan tâm vào các phiên đấu thầu, vì nguồn cung ra không nhiều như kỳ vọng. Nhiều người chỉ nhìn vào giá trúng thầu để kỳ vọng giá vàng sẽ giảm hay còn tăng tiếp, từ đó làm cơ sở để mua bán" - lãnh đạo một công ty vàng phân tích.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC trong ngày 13-5 tiếp tục biến động mạnh. Trong buổi sáng, giá rớt mạnh còn 85,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 88,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Điều này có nghĩa những người mua vàng miếng SJC ở mức giá 92,4 triệu đồng/lượng vào tuần trước nếu bán ra sẽ lỗ đến 7 triệu đồng.
Tuy vậy, thị trường không xuất hiện áp lực bán ra mà ngược lại, nhiều người tranh thủ giá giảm để tiếp tục mua vào. Nhu cầu gia tăng khiến giá vàng miếng đảo chiều, tăng trở lại mức 87,5 triệu đồng/lượng mua vào, 90 triệu đồng/lượng bán ra và duy trì cho đến hết cuối ngày. Nhiều người đã tiếc vì không kịp mua ở mức giá thấp nhất nên đành chấp nhận "ôm vào" ở mức giá trên 90 triệu đồng/lượng.
Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC - Hà Nội), xác nhận khi giá vàng miếng SJC rớt xuống 88,5 triệu/lượng, lượng khách mua vào nhiều hơn bán. "Bao nhiêu vàng miếng thu vào của khách lẻ, chúng tôi đều bán sạch trong ngày. Riêng các đầu mối lớn chào bán vàng miếng SJC cho công ty với giá ngang bằng với giá bán thị trường nhưng chúng tôi không "ôm" hàng vì lo ngại thị trường biến động khó lường" - ông Đang nói.
Theo chủ một tiệm vàng ở TP HCM, sau những thông tin về thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, sức mua vàng của người dân vẫn không giảm mạnh, trong khi người bán ra ngày càng ít nên giá vàng miếng SJC giảm trong thời gian ngắn rồi bật tăng trở lại.
Phải xem xét thật kỹ!
Nói về giải pháp đấu thầu vàng miếng được NHNN triển khai từ 22-4 đến nay nhưng thị trường không những chưa bình ổn mà lại còn nóng hơn, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng đó không phải là biện pháp hữu hiệu để giải quyết chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước.
Theo ông, giải pháp khả thi là cấp phép cho DN nhập khẩu vàng nguyên liệu. Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng đã có sẵn quy định cho phép NHNN xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho DN đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Khi đó, giá vàng trong nước và thế giới chính thức liên thông.
"NHNN không cần lo lắng việc nhập khẩu vàng ảnh hưởng đến tỉ giá. Lâu nay DN không nhập khẩu vàng thì ngoại tệ vẫn chảy ra ngoài qua đường nhập lậu. Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước càng cao lại càng khuyến khích nhập lậu vàng. Việc cho phép nhập khẩu vàng sẽ khuyến khích được xuất khẩu vàng nữ trang, giúp thị trường cân bằng được ngoại tệ" - ông Nghĩa nêu quan điểm.
Một thành viên của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng băn khoăn, tại sao NHNN không tính đến việc nhập khẩu vàng nguyên liệu rồi tổ chức đấu thầu vàng nguyên liệu? Khi đó, thị trường sẽ có hàng trăm đơn vị đủ điều kiện sản xuất vàng nhẫn, nữ trang tham gia đấu thầu; giá vàng trang sức mỹ nghệ sẽ biến động nhịp nhàng với giá vàng thế giới. Người dân sẽ tập trung giao dịch vàng nhẫn, nữ trang, giúp kéo giảm nhu cầu vàng miếng, từ đó giá vàng SJC sẽ thu hẹp đáng kể so với thế giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc nhập khẩu và đấu thầu vàng nguyên liệu, một lãnh đạo cấp cao NHNN cho biết cơ quan này đang cân nhắc đưa nội dung trên vào Nghị định 24 sửa đổi để trình Chính phủ quyết định.
Tuy vậy, GS-TS Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP HCM, vẫn lo ngại nhập khẩu vàng sẽ hao hụt ngoại tệ khiến VNĐ càng thêm mất giá vì thực tế đã có quốc gia từng rơi vào tình trạng này. Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia đã trải qua vòng luẩn quẩn về quản lý thị trường vàng chưa có lối ra. Về mặt lịch sử, đầu tiên, thị trường vàng do NH trung ương Thổ Nhĩ Kỳ độc quyền quản lý. Sau đó giao cho thị trường vận hành, rồi lại rối loạn để NH trung ương nước này phải tiếp tục can thiệp cấm nhập khẩu vàng và lại tiếp tục bất ổn như hiện tại.
Sự việc bắt đầu từ năm 2020, khi nhu cầu vàng của Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt, lên tới 9% tổng nhu cầu toàn cầu, cao gấp đôi so với tỉ lệ 4% giai đoạn 2010-2020. Để giải quyết nhu cầu vàng tăng cao cũng như liên thông giá vàng thế giới, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường nhập khẩu vàng. Kết quả là hao hụt ngoại tệ khiến đồng nội tệ càng thêm mất giá. Giữa tháng 2-2023, Thổ Nhĩ Kỳ hầu như cấm nhập khẩu vàng, chỉ được tạm nhập và tái xuất. Lệnh cấm nhập càng khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thêm mở rộng.
"Thổ Nhĩ Kỳ do quá tập trung vào mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng và giải quyết nhu cầu - giống như những điều đang được đề xuất để chỉnh sửa Nghị định 24 - nên mới rơi vào vòng luẩn quẩn. Việt Nam cần xem xét vấn đề kỹ hơn và đưa ra các chính sách có thể bảo đảm rằng giải quyết nhu cầu vàng không gây nguy hiểm cho ổn định kinh tế vĩ mô" - GS-TS Trần Ngọc Thơ phân tích và khuyến nghị.
Nhiều doanh nghiệp đang "ôm" vàng SJC?
Chủ một DN kinh doanh vàng khác ở Hà Nội cho hay các công ty vàng lớn đang neo giá vàng SJC ở mức cao vì sức mua chưa giảm. Những DN không được phép kinh doanh vàng miếng SJC nhưng đang nắm giữ số lượng lớn lại không dám bán ra vì lo ngại các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra xử phạt, nguồn cung vàng miếng trên thị trường vẫn bị hạn chế. Đó là lý do giá vàng SJC liên tục "nhảy múa" và có sự cách biệt rất lớn giữa các DN.
Bình luận (0)