Hiện nay, nhiều quảng cáo trái phép trên trang web và mạng xã hội giới thiệu các công nghệ làm đẹp như tiêm tế bào gốc, tiêm NAD+, cấy vi sợi sinh học insulin...
Tiền mất tật mang
Việc quảng cáo sai sự thật về các công nghệ làm đẹp được thực hiện rầm rộ trên mạng xã hội… gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Đáng chú ý, nhiều người đã tin vào lời quảng cáo để rồi "tiền mất tật mang" vì bị biến chứng.
Sau khi xem quảng cáo kèm các bình luận về hiệu quả làm đẹp của tế bào gốc, chị N.T.H (45 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đã đến một thẩm mỹ viện tiêm tế bào gốc để làm trẻ hóa da. Bệnh nhân cho biết nhân viên giới thiệu đây là sản phẩm có nguồn gốc Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau khi tiêm 1 ngày, do mặt sưng phù và đau nhức nên chị đến Bệnh viện Da liễu TP HCM thăm khám và điều trị.
Không chỉ quảng cáo các công nghệ tiêm tế bào gốc nhằm trẻ hóa làn da, mới đây, Thanh tra Sở Y tế TP HCM còn phát hiện một phòng khám chuyên khoa da liễu thuộc chi nhánh Công ty TNHH Shynh House (33 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) quảng cáo dịch vụ truyền năng lượng NAD+ (Nicotinamide Adenine Dinucleotide) trên biển hiệu và website của cơ sở này với công dụng cải thiện da, tóc, sức khỏe. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì cơ sở này không cung cấp được hóa đơn, chứng từ của sản phẩm. Đáng chú ý, cơ sở này đã dùng các dung dịch Vitaplex 500 ml, Pantogen 250 ml hoặc 500 ml, Polymiakabi 250 ml hoặc 500 ml để sử dụng cho khách. Trong khi đó, đây là các dịch truyền thông thường trong thành phần có chứa các vitamin nhóm B với giá trên thị trường từ 60.000 đồng đến 125.000 đồng.
Với các sai phạm về cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn..., cơ sở này bị xử phạt gần 270 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời hạn 6 tháng.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, nhận định hiện trên các trang web và mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo trái phép về NAD+ với tác dụng chống lão hóa, tăng cường năng lượng, sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, các quảng cáo này thiếu bằng chứng khoa học. Sản phẩm NAD+ chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và không có trong bất kỳ hướng dẫn điều trị nào của Bộ Y tế. Lãnh đạo Sở Y tế khuyến cáo người dân có nhu cầu làm đẹp, giảm béo cần cân nhắc kỹ khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội nếu chưa kiểm chứng được tính pháp lý trong hoạt động của cơ sở.
Thiếu chứng cứ khoa học
Không khó để tìm thấy các thông tin làm đẹp, chăm sóc sức khỏe trên mạng xã hội. Đặc biệt, nhiều chị em bị thu hút bởi những lời quảng cáo hấp dẫn về tế bào gốc, chỉ đến khi gặp phải biến chứng mới nhận ra sự nguy hiểm.
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Ngọc Phương, Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết tế bào gốc được ứng dụng trong chữa bệnh. Với da, tế bào gốc hiện diện ở lớp biểu bì giữa các nang lông, lớp hạ bì và mô mỡ, giúp duy trì cân bằng nội môi bình thường của da cũng như sửa chữa và tái tạo khi da bị tổn thương. Bởi đặc tính này, chúng được sử dụng để điều trị một số bệnh da liễu như xơ cứng bì hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống, rụng tóc...
Theo bác sĩ Phương, tế bào gốc được chiết tách từ nhiều nguồn khác nhau như mô mỡ, tủy xương, cuống rốn… Riêng trong da liễu, nhiều nghiên cứu cho thấy tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ mỡ tự thân đã được chứng minh có khả năng chống ôxy hóa, làm sáng sắc tố và chữa lành vết thương trên da. "Chúng đã được sử dụng để điều trị nếp nhăn nghiên cứu trên động vật. Phần lớn các nghiên cứu đều thực hiện trên mô hình động vật. Việc ứng dụng tế bào gốc trong da liễu, thẩm mỹ vẫn đang được nghiên cứu nhưng chưa có nhiều chứng cứ khoa học rõ ràng về hiệu quả và tính an toàn" - bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Dẫn chứng về quy trình tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc, bác sĩ Phương cho rằng cần được diễn ra trong các điều kiện bảo quản cực kỳ nghiêm ngặt, chỉ có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, nếu không có nhiệt độ lưu trữ phù hợp, tế bào gốc chỉ có thể tồn tại một thời gian ngắn trong điều kiện môi trường bình thường. Nên không thể có các sản phẩm tế bào gốc được bán rộng rãi trên thị trường như hiện nay. "Tất cả sản phẩm dạng tiêm hay thoa trên thị trường đều không chứa tế bào gốc do không thể sống được trong môi trường bình thường và trong điều kiện bảo quản trong chai lọ mỹ phẩm - cần có chất bảo quản sản phẩm sẽ ức chế các tế bào sống" - bác sĩ Phương chia sẻ.
Chưa được phép triển khai
Một số sản phẩm mỹ phẩm hiện nay được quảng cáo dựa trên thuật ngữ có chứa tế bào gốc thực vật, nghe có vẻ lành tính nhưng không tồn tại tế bào gốc sống nào trong sản phẩm mà chủ yếu là các chất tiết ngoại bào. Xu hướng phát triển các sản phẩm chăm sóc da dựa trên chiết xuất tế bào gốc thực vật đang là xu hướng mới nổi hiện nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa rõ các chất chiết xuất từ thực vật và những chất tiết từ tế bào gốc thực vật có tác dụng đặc trưng theo chủng tộc đối với con người.
Nếu tế bào gốc không phải tự thân hoặc được lấy và xử trí không đúng sẽ sinh ra các phản ứng dị ứng và tình trạng đào thải, viêm nhiễm thêm cho người nhận. Các sản phẩm chiết xuất có nguồn gốc thực vật vẫn có những nguy cơ phản ứng dị ứng nhất định khi sử dụng. Đến nay, tại Việt Nam chưa có cơ sở y tế nào được Bộ Y tế cấp phép triển khai kỹ thuật ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong lĩnh vực da liễu và thẩm mỹ.
Bình luận (0)