Đa số dây chằng đều có khả năng tự hồi phục sau khi tổn thương. Tuy nhiên, một số dây chằng khó tự hồi phục do nằm sâu trong khớp gối. Nếu bị tổn thương mà không được điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng khó lường. Từ đó, người bệnh có thể đối mặt nguy cơ teo cơ đùi, mâm chày bị xô lệch, rách sụn chêm, thoái hóa khớp gối sớm hơn so với tuổi...
Nhiều người còn chủ quan
Xương được kết nối với nhau nhờ các khớp. Bình thường, cơ thể di chuyển được là nhờ sự vận động của khớp. Là một cấu trúc vận động liên tục nên khớp cần phải được giữ vững trong quá trình di chuyển. Cùng với bao khớp, dây chằng là một trong những thành phần giúp cho khớp vững vàng.
Do đó, nếu dây chằng tổn thương mà không hồi phục đồng nghĩa với việc một trong những thành phần giữ vững khớp bị mất đi, dẫn đến khớp lỏng lẻo. Về lâu dài, khớp bị tổn thương khiến người bệnh mất cảm giác chân, bị "sụm chân" khi đi lại, cuối cùng là đau khớp gối do thoái hóa khớp đến sớm hơn so với bình thường.
Tại Bệnh viện Quân y 175, người bệnh đến khám, điều trị các tổn thương dây chằng chủ yếu do 2 nguyên nhân chính là tai nạn giao thông và thể thao. Trường hợp do tai nạn giao thông có xu hướng nặng nề hơn vì thường bị tổn thương nhiều dây chằng, thậm chí có thể có tổn thương xương kèm theo. Trong khi đó, người đứt dây chằng do thể thao thường có tâm lý chủ quan nên đến khám muộn.
Thậm chí, nhiều trường hợp người bệnh đến gặp bác sĩ vì đau khớp gối, khớp cổ chân. Đến khi kiểm tra thông qua các nghiệm pháp khám và phim cộng hưởng từ khớp mới phát hiện họ đã đứt dây chằng. Trong các tổn thương dây chằng, người bệnh thường chủ quan nhất với tổn thương dây chằng bên ngoài cổ chân và dây chằng chéo trước, chéo sau khớp gối.
Có thể phòng tránh
Dây chằng là những giải mô liên kết các xương. Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối, phía sau dây chằng chéo trước.
Dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau bắt chéo nhau hình chữ X, khi xương chày chuyển động quay vào trong thì chúng sẽ căng ra và cuốn vào nhau. Dây chằng chéo sau khỏe hơn dây chằng chéo trước, do đó ít gặp thương tổn. Chấn thương dây chằng chéo sau thường chiếm ít hơn 20% các loại chấn thương dây chằng đầu gối.
Dây chằng thường không tự nhiên đứt mà đa số có cơ chế chấn thương rõ ràng, có thể do tai nạn giao thông, lao động và thường gặp nhất là thể thao. Khi mới bị đứt dây chằng, người bệnh đôi khi có thể cảm nhận được tiếng động trong khớp. Sau đó, khớp sẽ đau tức dữ dội. Cơn đau này kéo dài khoảng 1 tuần mới thuyên giảm. Kế đến, người bệnh sẽ cảm thấy khớp gối bị lỏng, dễ mất thăng bằng, khó khăn trong việc lên xuống cầu thang.
Trong đa số trường hợp mới bị tổn thương dây chằng, người bệnh có thể xử trí ban đầu bằng cách giữ cho khớp bất động khoảng 1 tuần để giảm tình trạng sưng khớp và giảm đau. Sau đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá, tùy vào mức độ tổn thương sẽ có những phương án điều trị như bảo tồn bằng thuốc, nẹp cố định đầu gối hoặc phẫu thuật.
Mọi hoạt động thể thao đều tiềm ẩn nguy cơ tổn thương dây chằng. Song, tỉ lệ rủi ro này có thể giảm đi đáng kể nếu chúng ta được trang bị những kỹ năng phòng tránh chấn thương.
Cụ thể, người chơi thể thao cần khởi động kỹ càng trước khi chơi, mang giày và mặc quần áo phù hợp... Các động tác cần được thực hiện bài bản và đúng tư thế, tránh những tư thế khó, dễ gây chấn thương. Những người chơi thể thao chuyên nghiệp cần có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên, chuyên gia về thể lực để giảm nguy cơ chấn thương.
Không nên chơi thể thao quá sức
Trong quá trình tập luyện thể thao, không nên vội vàng, cường độ cần được tăng dần để cơ thể có thời gian thích nghi, dây chằng không bị căng thẳng quá mức. Ngoài ra, không nên chơi thể thao quá sức vì cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, khớp gối cần được nghỉ ngơi để duy trì độ linh hoạt và dẻo dai.
Người chơi thể thao cũng cần rèn luyện thêm những bài tập giữ thăng bằng. Khi tập những bài này, thụ cảm áp suất trong dây chằng sẽ "nhạy bén" hơn. Từ đó, giúp chúng ta giảm thiểu rủi ro khi gặp phải những tác nhân gây chấn thương xảy đến bất ngờ.
Bình luận (0)