Căng thẳng tiếp tục leo thang khi lực lượng Houthi ở Yemen ngày 24-1 nhắm mục tiêu vào tàu thương mại Maersk Detroit thuộc sở hữu của Mỹ ở vịnh Aden. Tuy các tên lửa của Houthi bị tàu khu trục USS Gravely của Hải quân Mỹ bắn hạ song động thái trên cho thấy nhóm này đang phớt lờ các đợt không kích của Mỹ và đồng minh.
Cùng ngày, một quan chức Houthi cho biết lực lượng này đã ra lệnh cho các nhân viên Mỹ và Anh thuộc Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức nhân đạo có trụ sở tại Sanaa rời khỏi Yemen trong vòng 1 tháng.
Nhằm tránh biển Đỏ, các công ty vận tải biển lớn đã lựa chọn hành trình dài hơn - vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi, khiến cả chi phí lẫn thời gian vận chuyển đều tăng vọt.
Theo trang Euronews, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Đông Nam Á đến châu Âu đã tăng lên mức hơn 6.000 USD, gấp gần 3 lần so với tháng trước, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng và giá tiêu dùng tăng cao trong bối cảnh lạm phát toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đối với tuyến thương mại Âu - Á, khoảng 40% lưu lượng hàng hóa thường đi qua biển Đỏ. Việc chuyển sang tuyến đường qua vùng Sừng châu Phi làm tiêu tốn thêm khoảng 1 triệu USD chi phí nhiên liệu cho những chuyến hàng khứ hồi.
Ông Yuvraj Narayan, Giám đốc tài chính của Công ty hậu cần DP World (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất), vào tuần trước cảnh báo chi phí hàng hóa từ châu Á vào châu Âu sẽ cao hơn đáng kể và người tiêu dùng châu Âu sẽ chịu tác động.
Hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu cũng bị gián đoạn không ít, bởi vận tải hàng hải là xương sống của các hành lang thương mại Liên minh châu Âu - Trung Quốc, chiếm 90% kim ngạch thương mại song phương.
Trong đó, hàng hóa năng lượng chiếm khoảng 10% chi tiêu của khu vực đồng euro, nên biến động giá của nhóm mặt hàng này - do đội giá vận chuyển - cũng tác động đáng kể đến lạm phát chung ở châu Âu.
Ông Simone Tagliapietra, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Bruegel (Bỉ), cảnh báo khả năng leo thang căng thẳng khu vực - với sự can dự của Iran - có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung năng lượng và làm phức tạp thêm nỗ lực kiểm soát lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Bình luận (0)