Theo cập nhật mới nhất từ quân đội Mỹ, 3 quân nhân đã thiệt mạng và ít nhất 34 người khác bị thương trong vụ tấn công vào căn cứ Tháp 22 ở Jordan hôm 28-1.
Tháp 22 là một tiền đồn nhỏ của Mỹ gần biên giới phía Đông Bắc Jordan, giáp với Syria. Vụ tấn công được thực hiện bởi máy bay không người lái, đánh dấu lần đầu tiên có quân nhân Mỹ thiệt mạng bởi dạng tấn công này kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra vào tháng 10-2023, cũng như đặt ra câu hỏi vì sao hệ thống phòng không của Tháp 22 không hoạt động đúng cách.
Trước đó, tính đến ngày 26-1, đã có gần 160 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nhắm vào lực lượng Mỹ và liên minh ở Iraq và Syria, song hầu hết không gây thương tích nghiêm trọng hoặc thiệt hại lớn.
Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thề đáp trả các vụ tấn công "vào thời điểm và theo cách chúng tôi lựa chọn". Sau cuộc tấn công mới nhất, ông Biden sẽ phải đối mặt với một quyết định quan trọng về quy mô trả đũa của Mỹ - vốn có thể gây ra hậu quả trong khu vực lẫn ảnh hưởng đến đường đua vào Nhà Trắng năm 2024 của chính ông.
"Chúng tôi vẫn đang thu thập thông tin về cuộc tấn công này nhưng chúng tôi biết nó được thực hiện bởi nhóm vũ trang cực đoan được Iran hậu thuẫn, hoạt động ở Syria và Iraq" - tờ Guardian trích dẫn cáo buộc từ tổng thống Mỹ.
Đảng Cộng hòa cũng đang tạo ra áp lực lớn cho chính quyền ông Biden, cáo buộc tổng thống Mỹ đã để lực lượng của mình trong tình thế thụ động.
Hãng tin Reuters dẫn lời Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Tom Cotton cho rằng câu trả lời duy nhất lúc này là sự đáp trả quân sự mạnh mẽ chống lại các lực lượng Iran lẫn thân Iran trên khắp Trung Đông. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích vụ tấn công ngày 28-1 là "hậu quả của sự yếu đuối và đầu hàng của ông Biden".
Ngay cả Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Barbara Lee cũng cho rằng chiến lược kiềm chế xung đột Israel - Hamas của ông Biden đã thất bại và quân đội Mỹ đang gặp nguy hiểm.
Trước những lập luận từ phía Mỹ, phái bộ Iran tại Liên Hiệp Quốc phủ nhận bất kỳ mối liên quan nào đến vụ tấn công. Theo hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA hôm 29-1, phái bộ Iran nói có sự xung đột giữa lực lượng Mỹ và các nhóm kháng cự trong khu vực và điều này đã dẫn đến các cuộc tấn công qua lại.
Tuy nhiên, một thủ lĩnh giấu tên của lực lượng Kháng chiến Hồi giáo (IRI) ở Iraq, tổ chức tập hợp các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, tiết lộ IRI đứng sau vụ tấn công.
Về cách đáp trả của Mỹ, tướng Kenneth "Frank" McKenzie, người từng chỉ huy các lực lượng Mỹ ở Trung Đông từ năm 2019 - 2022, nhận xét những cuộc tấn công "khá hạn chế" gần đây của Washington "không có tác dụng răn đe" các nhóm do Iran hậu thuẫn.
Trong khi đó, ông Aaron David Miller, cựu chuyên gia đàm phán hòa bình Trung Đông của Mỹ hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ), chỉ ra Mỹ có thể đáp trả bằng cách tấn công lực lượng Iran hiện diện ở Syria hoặc Iraq, hay khí tài hải quân của Iran trên vịnh Ba Tư mà không cần nhắm vào lãnh thổ Iran - điều mà Tehran xem là "lằn ranh đỏ".
Thậm chí, theo ông Matthew Kroenig, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc cấp cao Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Mỹ có thể nhắm vào các lãnh đạo quân sự Iran, như chiến dịch ám sát tướng Qassem Soleimani của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi năm 2020.
Trước viễn cảnh xung đột trực tiếp giữa Mỹ và Iran, giới quan sát đánh giá Washington phải đối mặt với bài toán làm thế nào để phản ứng mạnh hơn mà không khiến đụng độ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Một vấn đề cấp bách khác giữa lúc căng thẳng đang lên đến đỉnh điểm kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra là các quan chức Mỹ phải khẩn trương tìm cách đạt được thỏa thuận trao trả con tin để đổi lấy việc tạm dừng giao tranh ở Gaza, từ đó xuống thang bất ổn.
Theo đài CNN, giờ đây các nhà lãnh đạo ở Washington và Trung Đông đang cân nhắc phương án có thể làm thay đổi đáng kể tình hình trong bối cảnh hàng ngàn sinh mạng và tương lai của khu vực rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc".
Phản ứng của Mỹ, Israel và Iran trong những ngày tới sẽ làm thay đổi đáng kể quỹ đạo của cuộc xung đột Israel - Hamas và những tác động rộng lớn hơn mà nó gây ra ở Trung Đông.
Lúc này, các quan chức Mỹ hy vọng tiến gần hơn đến việc đạt được thỏa thuận trao trả con tin - thông qua các cuộc đàm phán đang diễn ra ở Pháp. Việc ngừng giao tranh trong thời gian dài hơn cũng tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo ở Gaza.
Giá dầu tăng
Giá dầu tăng lên sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng ở Jordan. Giá dầu Brent có lúc ở mức 84,03 USD/thùng trong khi dầu WTI tăng lên mức 78,48 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 29-1. Theo báo Guardian, giá dầu tăng một phần còn do cuộc tấn công tên lửa của lực lượng Houthi nhằm vào tàu chở nhiên liệu ở biển Đỏ hôm 26-1, làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung.
Ông Stephen Innes, quản lý tại Công ty Quản lý tài sản SPI Asset Management, nhận định các cuộc tấn công liên tục của Houthi vào các tàu ở biển Đỏ đã thúc đẩy các cuộc không kích của Mỹ ở Yemen, kéo theo nguy cơ tính toán sai lầm gia tăng.
Kịch bản này báo hiệu khả năng bất ổn tiếp tục kéo dài đi kèm những hậu quả toàn cầu, gồm giá dầu tăng cao hơn. Đặc biệt, nếu tuyến hàng hải ở eo biển Hormuz bị tắc nghẽn, giá cả sẽ tăng đáng kể.
Bình luận (0)