Nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Lancet này cảnh báo đến năm 2100, dân số của 198/204 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ giảm, với phần lớn ca sinh diễn ra ở các nước nghèo.
Cụ thể, cứ mỗi 2 trẻ chào đời trên thế giới vào năm 2100, sẽ có 1 bé đến từ khu vực châu Phi cận Sahara. Somalia, Tonga, Niger, Chad, Samoa và Tajikistan - những quốc gia có thể duy trì dân số.
Nghiên cứu còn nhấn mạnh một xu hướng đặc biệt đáng lo đối với những quốc gia có tổng tỉ suất sinh sụt giảm, khiến họ phải đối mặt những thách thức liên quan việc thiếu hụt lực lượng lao động.
Chuyên gia Natalia Bhattacharjee của IHME nhận xét với đài Al Jazeera ngày 21-3 rằng tác động của bức tranh dân số đối lập nêu trên là "rất lớn", có khả năng "tái định hình kinh tế toàn cầu và cán cân quyền lực quốc tế".
Trong lúc nước giàu chật vật duy trì tăng trưởng kinh tế, nước nghèo phải vật lộn với thách thức làm thế nào để hỗ trợ dân số bùng nổ tại một số khu vực có nền kinh tế và chính trị bất ổn, nắng nóng cực đoan và hệ thống y tế kém phát triển.
Giải quyết những thách thức liên quan đến di cư và viện trợ toàn cầu sẽ trở nên cấp bách hơn, khi nước giàu cạnh tranh gay gắt lao động nhập cư giữa lúc xu hướng bùng nổ dân số tiếp diễn ở khu vực châu Phi cận Sahara.
Chuyên gia Austin Schumacher của IHME nhận định quản lý rủi ro liên quan việc tăng trưởng dân số là một thách thức lớn đối với khu vực châu Phi cận Sahara, đặc biệt là những quốc gia có mức sinh cao nhất. Nếu không có giải pháp, khu vực này này sẽ đối mặt nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo.
Theo ông Schumacher, để ứng phó với những thách thức như trên, khu vực châu Phi cận Sahara cần được ưu tiên trong nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ, giảm nghèo, giáo dục cho trẻ em gái...
Bình luận (0)