Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho biết cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm qua ngành điều Việt Nam đã lập một kỷ lục mới, xuất khẩu trên 645.300 tấn điều nhân các loại. Thành công về xuất khẩu nhưng lại đang hình thành nguy cơ lớn đối với ngành điều Việt Nam và cũng như với ngành điều toàn cầu.
Cụ thể, sự tăng trưởng "nóng" của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu trong khi giá điều thô rất cao. Giá nhân điều ở đầu vụ, cuối vụ có giảm nhưng chất lượng cũng giảm và vẫn không cân đối với giá bán của điều nhân khiến cho nhiều nhà chế biến thua lỗ.
Cũng theo ông Công, sự tăng trưởng "nóng" về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như quy định mức giá bán tối thiểu; quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao.
Các nhà chiên rang điều, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và tiêu dùng giảm không tăng được giá bán nên không tăng giá mua nhân điều.
"Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hàng loạt nhà chế biến điều trong nước và thế giới sẽ phá sản. Việt Nam có thị phần gần 80 % lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới - sự đổ vỡ của ngành chế biến điều Việt Nam sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường với ngành điều thế giới không chỉ là giảm sút, đứt gãy nguồn cung nhân điều mà còn là nguy cơ lớn với những nước trồng điều và xuất khẩu điều thô do sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam" - ông Công cảnh báo.
Bình luận (0)