icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảnh báo tai nạn rình rập trẻ nhỏ

Bài và ảnh: HẢI YẾN

Mùa hè sắp đến càng là thời điểm trẻ nhỏ đối mặt với hàng loạt nguy cơ tai nạn thương tích, giao thông, ngộ độc nguy hiểm

Gần đến nghỉ hè, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP HCM bắt đầu ghi nhận số ca trẻ gặp tai nạn tăng lên, trong đó phổ biến là tai nạn giao thông, uống nhầm hóa chất, nuốt phải dị vật nguy hiểm. Theo các chuyên gia, chỉ một phút lơ là cũng có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng cấp cứu.

Dồn dập tai nạn thương tâm

Ca tai nạn thương tâm mới nhất đang được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nỗ lực cứu chữa là bé trai T.N.P.D (10 tuổi, học sinh lớp 3, ở quận 6 - TP HCM) bị cây rơi trúng đầu khi trên đường từ trường học về nhà. Người cha chở con ngồi phía sau trong lúc dừng đèn đỏ thì tai họa bất ngờ từ trên rơi xuống. Sau tai nạn, bé được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu, hiện vẫn còn thở máy qua nội khí quản, đồng tử hai bên phản xạ ánh sáng yếu, tiên lượng dè dặt. Ban Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay miễn phí 100% đối với bệnh nhi này.

Theo BSCK2 Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), thời gian nghỉ hè là cao điểm của các tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, trong đó các tai nạn liên quan đến đường tiêu hóa chiếm tỉ lệ đáng lo ngại.

Cảnh báo tai nạn rình rập trẻ nhỏ - Ảnh 1.

Một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM

Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bé gái T.K (2 tuổi, ngụ TP HCM) đến cấp cứu trong tình trạng bỏng toàn bộ khoang miệng sau khi uống nhầm bột thông cống. Gia đình cho biết trước khi nhập viện khoảng 3 giờ, bé bị sốt, không thể ăn uống, có dấu hiệu nhiễm trùng với các chỉ số viêm tăng cao.

Tại bệnh viện, bé được nhanh chóng truyền dịch, cho sử dụng thuốc bảo vệ niêm mạc, giảm tiết, kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng. Kết quả nội soi cho thấy bé bị bỏng thực quản độ 2, phải đặt ống sonde dạ dày dưới hướng dẫn nội soi để nuôi ăn. Sau một tuần điều trị tích cực, bé đã có thể ăn uống trở lại và được xuất viện.

Mỗi năm, chỉ riêng tại Khoa Tiêu hóa tiếp nhận khoảng 250-300 trường hợp trẻ gặp tai nạn tiêu hóa, phần lớn do nuốt phải dị vật hoặc uống nhầm hóa chất. Đáng chú ý, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2025, khoa đã tiếp nhận và cứu chữa thành công 26 ca. "Trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò khám phá và dễ tiếp cận các hóa chất, vật dụng nhỏ trong nhà khi không có người lớn giám sát" - BS Thu Thủy cảnh báo.

BSCK2 Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết đuối nước là một trong những tai nạn nguy hiểm hàng đầu với trẻ em trong dịp hè, đặc biệt là các bé chưa biết bơi. Điển hình, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bé 3 tuổi ở Long An bị đuối nước. Hiện bé được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục điều trị trong ngày 9-5. BS Phương lưu ý: "Có những ca đuối nước xảy ra ngay tại hồ bơi, nơi có nhân viên cứu hộ nhưng do quá đông, trẻ bị chìm mà không ai phát hiện kịp".

Không chỉ ở ngoài trời, ngay trong nhà cũng tiềm ẩn rủi ro. Những chiếc thau nước, xô chậu hay nhà tắm chứa nước cũng có thể khiến trẻ nhỏ té ngã, úp mặt vào và ngạt nước nếu không có sự giám sát chặt chẽ.

Ngoài ra, các tai nạn thường gặp khác trong hè bao gồm điện giật, phỏng nước sôi, tai nạn giao thông, ong đốt, rắn cắn, uống nhầm hóa chất tẩy rửa, nuốt dị vật (đồng xu, pin cúc áo, xương, vỉ thuốc…). "Đừng chủ quan với các trò chơi ngoài trời hay hành vi nghịch ngợm của trẻ. Nhiều tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra chỉ vì một khoảnh khắc bất cẩn của người lớn" - BS Phương khuyến cáo.

Nhiều nguy cơ rình rập

Theo bác sĩ Thu Thủy, hóc dị vật ở trẻ rất nguy hiểm, đặc biệt với dị vật sắc nhọn hoặc có tính ăn mòn vì dễ gây thủng, tắc ruột, viêm nhiễm… Một số loại dị vật nguy hiểm thường gặp: pin cúc áo, nam châm, tăm xỉa răng, polymer siêu thấm, xương cá, vỉ thuốc... Khi trẻ nuốt dị vật, có thể xuất hiện các dấu hiệu: ói, ói máu, đau cổ, khó nuốt, đau bụng, chướng bụng... Trong những trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Cảnh báo tai nạn rình rập trẻ nhỏ - Ảnh 2.

Tai nạn thương tích luôn rình rập trẻ nhỏ

Việc xử trí tùy thuộc vào loại dị vật, vị trí kẹt, thời gian nuốt, triệu chứng… Phần lớn dị vật có thể tự đào thải qua đường tiêu hóa nhưng vẫn có 10%-20% trường hợp cần can thiệp nội soi và khoảng 1% phải phẫu thuật. Riêng với trường hợp uống nhầm hóa chất ăn mòn, phụ huynh tuyệt đối không nên gây nôn, dùng hóa chất trung hòa hoặc chất pha loãng, dùng than hoạt tính...

BS Phương lưu ý thêm vào thời điểm học sinh bước vào kỳ nghỉ hè, nguy cơ trẻ gặp tai nạn thương tích có xu hướng tăng cao. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm an toàn cho trẻ, chủ động phòng tránh các tai nạn thường gặp tại gia đình và ngoài cộng đồng.

Với trẻ ở độ tuổi nhỏ, cần có người lớn trông coi thường xuyên. Trong gia đình, cầu thang, bậc thềm cần được lắp lan can - tay vịn chắc chắn để phòng ngừa nguy cơ té ngã. Tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc với các vật sắc nhọn như dao, kéo. Khu vực nhà bếp cũng cần có rào chắn, không cho trẻ lại gần trong lúc nấu nướng để tránh bị bỏng hoặc các tai nạn do lửa gây ra. Ngoài ra, cha mẹ cũng không nên để trẻ chơi với tiền xu hoặc các vật nhỏ dễ nuốt, dễ gây hóc dị vật.

Với trẻ lớn đã biết sử dụng phương tiện giao thông như xe đạp, xe máy điện, phụ huynh cần hướng dẫn con tuân thủ nghiêm túc luật lệ giao thông, trang bị kỹ năng quan sát, luôn nhắc trẻ đội mũ bảo hiểm và di chuyển đúng làn đường, đúng tốc độ. "Đặc biệt, phụ huynh nên giáo dục cho trẻ nhận biết các nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn thương tích như té ngã, bỏng, điện giật, hóc dị vật… từ đó giúp trẻ nâng cao ý thức, biết tự bảo vệ bản thân" - một bác sĩ nhấn mạnh. 

Không nên tự ý điều trị

Các chuyên gia y tế lưu ý khi trẻ gặp tai nạn, việc sơ cứu kịp thời, đúng cách và đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể là yếu tố quyết định khả năng phục hồi. Ngược lại, nếu cha mẹ tự ý điều trị theo phương pháp dân gian, xử lý sai cách hoặc chậm trễ trong việc đưa trẻ đi cấp cứu thì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của trẻ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo