xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cảnh báo ung thư đường tiêu hóa ở người trẻ

NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH

Số bệnh nhân là người trẻ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng tăng, trong đó phổ biến là ung thư dạ dày, đại tràng, thực quản

Phát hiện ung thư dạ dày ở tuổi 32, anh T.V.H (ở Quảng Ninh) có chỉ định phẫu thuật cắt một phần dạ dày và nạo vét hạch. H. cho hay khi còn là sinh viên sống xa nhà, anh thường xuyên ăn uống không điều độ, thức khuya.

Yếu tố mới gây ung thư dạ dày

Lúc đầu có những triệu chứng ợ hơi, khó tiêu, đau tức dưới ngực, anh H. nghĩ là do công việc, ăn ngủ thất thường. Một tháng trước khi vào viện, anh có triệu chứng đầy bụng khó tiêu, chán ăn, mệt mỏi, sụt khoảng 5 kg, đi ngoài phân đen. Đến khi phát hiện bị ung thư dạ dày thì bệnh đã giai đoạn 2.

Một trường hợp khác 45 tuổi (ở Hà Nội), tiền sử khỏe mạnh, đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai do đau thượng vị 2 tháng nay (vùng bụng trên rốn và dưới vùng xương ức). Kết quả kiểm tra thấy ổ loét 2 cm tại môn vị, u dạ dày và được chỉ định phẫu thuật cắt bán phần dạ dày, nạo vét hạch.

Nội soi tiêu hóa để phát hiện ung thư Ảnh: THÀNH DƯƠNG

Nội soi tiêu hóa để phát hiện ung thư .Ảnh: THÀNH DƯƠNG

BS Nguyễn Quang Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết độ tuổi mắc ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa, dưới 40 tuổi, thậm chí có bệnh nhân ngoài 20 tuổi. Yếu tố dẫn đến ung thư dạ dày có thể do ăn uống không lành mạnh, ăn mặn, ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ gây quá tải cho đường tiêu hóa; lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá; nhiễm vi khuẩn HP; di truyền; viêm loét dạ dày mạn tính… Một trong những nguyên nhân chính gây viêm dạ dày mà nhiều người gặp phải hiện nay đó là do stress, chiếm hơn 40% gây ra viêm dạ dày mạn tính.

"Nếu viêm dạ dày do rối loạn dịch vị có thể điều trị cân bằng bằng thuốc, viêm do vi khuẩn HP thì điều trị bằng kháng sinh nhưng viêm do stress thì rất khó để điều trị. Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều người dù có lối sống lành mạnh nhưng tỉ lệ mắc ung thư dạ dày khá cao. Bởi vậy, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh thì người dân cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe tinh thần. Tránh căng thẳng, stress kéo dài gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa" - BS Hùng khuyến cáo.

Thêm bệnh mới nổi tại Việt Nam

Tại các bệnh viện ở TP HCM, Hà Nội, lượng bệnh nhân đến khám, điều trị bệnh về tiêu hóa lúc nào cũng đông. Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP HCM) mới đây phẫu thuật cắt đoạn đại tràng sigma hiếm gặp cho một phụ nữ sau cả năm đi nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh. Bệnh nhân là chị H.T.L (42 tuổi, ở Long An), bị đau bụng vùng hạ vị kéo dài hơn 7 tháng nay, sờ thấy cục u ở vùng bụng dưới bên trái, uống thuốc điều trị nhưng không bớt. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện áp xe thành bụng, sẹo loét trực tràng, chẩn đoán thủng túi thừa đại tràng sigma rò ra ngoài thành bụng kết hợp rò trực tràng - âm đạo. Đáng chú ý, các biểu hiện lâm sàng không điển hình nên bác sĩ rất dễ bỏ sót bệnh, chẩn đoán khó khăn.

Theo ThS-BS chuyên khoa II Trần Văn Minh Tuấn, Trưởng Khoa Ngoại Tổng quát Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, nếu trước đây bệnh túi thừa đại tràng chủ yếu ở các nước phương Tây thì nay bệnh này ngày càng xuất hiện nhiều tại Việt Nam. Bệnh có thể gây ra những biến chứng đe dọa đến tính mạng như xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, thủng túi thừa gây viêm phúc mạc, tắc ruột hay rò qua các cơ quan lân cận. "Những người trên 40 tuổi nên đi khám, nội soi dạ dày, đại tràng để tầm soát sớm các bệnh lý đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, người dân có các biểu hiện đau bụng, chướng bụng, các biểu hiện thay đổi thói quen đi tiêu như tiêu lỏng, táo bón, phân đàm máu nhầy nhớt... thì nên đi khám sớm để được điều trị hiệu quả vì đây có thể là triệu chứng báo động cho một bệnh lý phức tạp ở đường tiêu hóa" - BS Tuấn lưu ý.

Nhận biết cách nào?

Giới chuyên môn cảnh báo hiện nay số bệnh nhân mắc các bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng… có xu hướng tăng. PGS-TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tỉ lệ nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày hiện rất cao, có tới 70%-80% người dân nhiễm vi khuẩn này chủ yếu lây qua đường ăn uống. Khi tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này cao, các tổn thương tiền ung thư cũng tăng lên. Với các bệnh lý đại trực tràng, thói quen ăn nhiều thực phẩm chứa dầu mỡ, tồn dư chất độc hại, chất bảo quản, đồ ăn chế biến sẵn, lên men… là nguyên nhân chính gây nên căn bệnh này. "Biện pháp quan trọng để điều trị thành công là cần được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện tỉ lệ người bệnh được chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa vẫn còn rất thấp. Hầu hết là do thói quen, người dân chưa chú ý đến tầm soát hằng năm" - PGS Long nói.

Các chuyên gia khuyến cáo nếu phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, cơ hội điều trị khỏi rất cao, nhất là với ung thư dạ dày. Hiện có nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, trong đó cắt tách dưới niêm mạc qua nội soi không phẫu thuật, hiệu quả điều trị cao. "Đặc biệt, khi có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài; chán ăn, khó tiêu, đầy bụng trên vùng rốn, ăn không ngon, mệt mỏi, sút cân; đi ngoài nhiều lần; xuất hiện máu trong phân... cần đi khám chuyên khoa ngay. Ngay cả khi phát hiện ung thư ở bệnh nhân tuổi cao cũng nên quyết tâm phối hợp với các bác sĩ chuyên sâu về ung thư để không bỏ lỡ cơ hội chữa bệnh tốt nhất" - một chuyên gia nhấn mạnh. 

Bao lâu tầm soát tiêu hóa một lần?

Theo PGS-TS Nguyễn Công Long, không có công thức chung cho việc bao lâu nên nội soi dạ dày, đại tràng một lần để tầm soát ung thư mà tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể. Tuy nhiên, một người 40-50 tuổi, tiền sử gia đình không có gì đặc biệt, đi soi tầm soát ung thư dạ dày lần đầu tiên cho kết quả bình thường thì có thể 3-5 năm soi lại một lần. Nếu trong lần nội soi đầu tiên phát hiện có viêm dạ dày mạn tính, mức độ nặng hoặc có dị sản ruột... thì nên nội soi mỗi năm một lần. Người có cha mẹ ung thư dạ dày, trên 35 tuổi nên đi nội soi dạ dày hằng năm. Nếu cha mẹ ung thư dạ dày thể tế bào nhỏ kém biệt hóa, con bắt đầu qua tuổi vị thành niên nên nội soi tầm soát. Ngoài ra, những nhóm cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, người có tiền sử gia đình như cha mẹ, anh chị em mắc bệnh. Những trường hợp trước đó nội soi phát hiện polyp và đã cắt cũng cần tầm soát định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo