Ngày 5-6, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow "Nhận diện lừa đảo qua mạng".
Chương trình có sự tham gia của các khách mời: Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM; thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP HCM; luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, Giám đốc Công ty Đông Phương Luật; luật sư Trương Văn Tuấn, Trưởng Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn.
Sơ hở là "sập bẫy"
Thượng tá Lê Minh Hải cho biết thời gian qua, dù Công an TP HCM đã tăng cường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn nhiều trường hợp mắc bẫy.
Dù phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm lừa đảo trực tuyến không mới nhưng các đối tượng tạo ra các "câu chuyện lừa đảo" ngày càng tinh vi, gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để dẫn dụ nạn nhân.
Điển hình là thủ đoạn giả mạo lực lượng chức năng (công an, cục thuế...) gọi điện thoại yêu cầu nạn nhân "cập nhật thông tin trong dữ liệu quốc gia về dân cư", "làm thủ tục hoàn thuế thu nhập cho cá nhân, doanh nghiệp".
Đáng chú ý, các đối tượng thông tin đúng tên nạn nhân, số giấy tờ tùy thân và yêu cầu lên trực tiếp trụ sở để làm việc.
Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện mở đầu để tạo niềm tin, mục đích của các đối tượng là hướng dẫn nạn nhân thực hiện "thủ tục trực tuyến", kết bạn với nạn nhân qua Zalo và yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo Chính phủ, Bộ Công an, Cục Thuế… thông qua đường link website do đối tượng gửi đến.
Khi nạn nhân cài đặt, ứng dụng chứa mã độc sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp thông tin đăng nhập ngân hàng, mã OTP và thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản.
Phương thức lừa đảo trực tuyến thông qua tuyển dụng việc làm trực tuyến như xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, giật đơn hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử, mở cửa hàng trực tuyến...
Hay với thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính, các đối tượng gọi điện thoại, nhắn tin mời chào nạn nhân tham gia các "nhóm đầu tư thông minh", "nhóm chuyên gia tài chính" với bản chất đưa nạn nhân vào các nhóm lừa đảo để thao túng, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo.
"Một thủ đoạn tinh vi nữa là giả mạo luật sư, cơ quan công an và phát tán thông tin "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo, tiền bị treo trên các sàn đầu tư…".
Trước đó, các đối tượng tiến hành đăng ký quảng cáo trên nền tảng Facebook, Google để khi nạn nhân tìm kiếm thủ tục trình báo trên các nền tảng tìm kiếm trực tuyến thì sẽ hiển thị thông tin giả mạo của các đối tượng.
Khi nạn nhân liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tình trạng bị lừa đảo để dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền phí, đóng thuế hoặc chuyển khoản chứng minh số tài khoản để chiếm đoạt tài sản" - thượng tá Lê Minh Hải thông tin thêm.
Ngoài ra, Công an TP HCM còn ghi nhận các vụ việc xâm nhập trái phép email của doanh nghiệp; gửi đường link giả mạo các công ty; mạo danh giáo viên, nhân viên y tế gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo học sinh bị tai nạn, đang cấp cứu tại các bệnh viện và yêu cầu chuyển tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp; giả mạo các công ty truyền thông tuyển cộng tác viên thu âm giọng nói, tuyển mẫu ảnh nhí quảng cáo, sau đó đưa vào các nhóm chat Telegram giao nhiệm vụ mua các sản phẩm ảo rồi yêu cầu chuyển khoản với số tiền tăng dần rồi sau đó chiếm đoạt…
Theo luật sư Trương Văn Tuấn, một số thủ đoạn khác được ghi nhận như cố tình chuyển nhầm tiền vào tài khoản; thông báo trúng thưởng và đề nghị chuyển tiền để nhận quà; thông báo khóa sim; giả danh luật sư giỏi… Tất cả những chiêu này đều đưa đến một kết cuộc là chiếm đoạt tiền của người dân.
Hiểu biết để tự bảo vệ
Nói về thủ đoạn giả danh công an gọi điện thoại yêu cầu người dân làm "định danh điện tử mức 2, thậm chí là mức 3" rồi dẫn dụ vào bẫy lừa, thượng tá Nguyễn Minh Thơ khẳng định việc thông báo kích hoạt để sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 trên ứng dụng VNeID đều được cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua ứng dụng VNelD, tin nhắn SMS hoặc địa chỉ thư điện tử.
Hoàn toàn không có việc thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người dân; qua tin nhắn từ số điện thoại cá nhân hay qua các ứng dụng chat trực tuyến như Zalo, Facebook…
"Chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với người dân sử dụng điện thoại iPhone hệ điều hành iOS) hoặc trên CH Play (đối với người dân sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ các nguồn khác ngoài 2 nguồn trên.
Không cung cấp thông tin cá nhân của mình, của người thân trong gia đình qua điện thoại cho bất kỳ ai mà chúng ta chưa biết.
Trường hợp khi sử dụng ứng dụng VNeID bị phát sinh lỗi, phải hỏi ngay người thân có hiểu biết về ứng dụng VNeID trong gia đình hoặc liên hệ ngay cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của bất kỳ ai ngoài những người trên" - thượng tá Nguyễn Minh Thơ cảnh báo.
Về tội phạm lừa đảo sử dụng phần mềm deepfake, deepvolee để cắt ghép hình ảnh, tạo cuộc gọi video giả mạo hình ảnh, giọng nói là người thân, bạn bè khiến nạn nhân lầm tưởng là người quen gọi đến, thượng tá Lê Minh Hải lưu ý thông thường, những cuộc gọi này có chất lượng âm thanh, hình ảnh kém giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn do sóng di động yếu để nạn nhân khó phân biệt, không nghi ngờ mà thực hiện việc chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
"Hình thức lừa đảo này làm cho một số người không rành về công nghệ sẽ dễ dính bẫy. Nếu có cuộc gọi từ người thân, công an gọi video call thì chúng ta cần tắt cuộc gọi và gọi lại để để tránh bị lừa" - thượng tá Lê Minh Hải nói.
Trước "thập diện mai phục" những trò lừa đảo trên mạng, luật sư Trương Văn Tuấn cho rằng: "Cá nhân mỗi người phải tự trang bị "áo giáp" khi tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.
Đây chính là những kiến thức về phòng chống lừa đảo qua mạng được phổ biến rộng rãi trên mạng. Người dân cần tìm đọc, nghiên cứu các thông tin, kiến thức này để mở rộng hiểu biết".
Còn theo luật sư Nguyễn Thành Công, tuyên truyền là hoạt động mang lại hiệu quả cao nhất nhằm nâng cao ý thức cho người dân để tự bảo vệ mình trước những chiêu lừa đảo tinh vi.
"Ngày nay, hầu như người dân nào cũng sử dụng điện thoại thông minh. Các cơ quan chức năng nên sản xuất những đoạn phim ngắn về các chiêu trò lừa đảo để đăng tải lên Facebook, TikTok, YouTube... Những đoạn phim này chỉ vài chục giây nhưng hiệu quả rất cao, nếu người nào không đọc báo thì họ sẽ lướt mạng xã hội để xem" - luật sư Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.
Đừng ngại trình báo!
Nói về việc trình báo khi bị sập bẫy, theo luật sư Nguyễn Thành Công, người dân có tâm lý e ngại "thuận tiện thì ít mà khó khăn thì nhiều" nên không trình báo.
"Người dân cần phải phối hợp với cơ quan công an thì hoạt động phá án mới nhanh, thuận tiện hơn, giúp việc thu hồi tài sản hiệu quả. Ngoài ra, việc hợp tác với cơ quan công an sẽ góp phần làm ổn định tình hình xã hội" - luật sư Nguyễn Thành Công nhắn nhủ.
Trong trường hợp bị lừa đảo qua mạng, người dân có thể tố giác tội phạm thông qua cơ quan điều tra các cấp và VKSND các cấp; cơ quan công an phường, xã cũng là đơn vị tiếp nhận các thông tin về tố giác tội phạm.
"Khi nhận được cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, người dân phải hết sức cảnh giác. Dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại và tắt máy, không trao đổi gì thêm. Báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý" - thượng tá Lê Minh Hải lưu ý thêm.
CẢM ƠN CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
- Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
- Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật
Bình luận (0)