Đó là vừa tìm giải pháp khẩn cấp bảo vệ người dân vừa hoạch định chiến lược lâu dài để ứng phó hữu hiệu tình trạng này.
Gần đến Tết Nguyên đán nhưng người dân ở nhiều nơi tại ĐBSCL vẫn bất an vì sạt lở. Mới đây, vụ sạt lở đê bao ở cồn Thanh Long, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long vào sáng 5-1 càng khiến nhiều người thêm ám ảnh.
Diễn biến phức tạp
Đoạn sạt lở dài khoảng 30 m, sâu 10 m, dù không gây vỡ đê bao ở cồn Thanh Long nhưng làm mất một phần đất, ảnh hưởng tường nhà một hộ dân. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương đã đến khảo sát, di dời hộ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Ông Trần Văn Sữa - ngụ xã Quới Thiện, trường hợp bị ảnh hưởng nêu trên - lo lắng: "Phần đất phía trước nhà tôi bị sạt lở gần hết và ăn sâu đến gần vách tường. Không biết từ nay đến Tết còn sạt lở nữa không, nếu vẫn xảy ra thì tôi mất luôn căn nhà".
Cận Tết Nguyên đán năm 2024, tại cồn Thanh Long cũng xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài hơn 20 m, ăn sâu vào bờ 5 - 6 m, ảnh hưởng đến nhà cửa, vườn cây ăn trái và cuộc sống của 33 hộ dân. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũng Liêm, từ năm 2016 đến nay, cồn Thanh Long liên tiếp xảy ra sạt lở với diện tích đất bị mất khoảng 10 ha. Hiện cồn này chỉ còn diện tích khoảng 40,1 ha.
Tại Cà Mau, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết tỉnh có 188 km (chiếm hơn 70%) đường bờ biển bị sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Đến nay, Cà Mau chỉ mới xử lý được khoảng 78 km.
Trong khu vực nội đồng Cà Mau, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp. Trong tổng số hơn 8.000 km chiều dài hệ thống kênh mương, sông ngòi của tỉnh, khoảng 425 km bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Riêng mùa khô năm 2024, tại Cà Mau xuất hiện 730 vị trí sụt lún với chiều dài hơn 19 km, 83 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài gần 2,2 km.
Trong khi đó, ở Tiền Giang, sạt lở thường xuyên xảy ra tại các tuyến sông, kênh, rạch thuộc những huyện phía Tây như: Châu Thành, Cái Bè, Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Khoảng 10 năm nay, toàn tỉnh xảy ra sạt lở ở gần 1.200 điểm bờ sông, kênh, rạch với chiều dài hơn 117 km. Tiền Giang có 32 km bờ biển và sạt lở cũng diễn ra ở mức đáng báo động...
Kết hợp nhiều giải pháp
Các giải pháp bảo vệ bờ sông thực hiện ở ĐBSCL hiện nay hầu hết đều tính toán đầy đủ theo các quy trình hiện hành, tuân thủ trình tự xây dựng cơ bản, quan tâm vấn đề xói sâu; bảo vệ an toàn cơ sở hạ tầng, nhất là ở các đô thị, khu dân cư tập trung. Đa phần là công trình gia cố bờ sông, ít tác động đến dòng chảy và lòng dẫn. Từ đó, giúp sông giữ nguyên trạng thái tự nhiên.
Theo ông Lê Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chỉnh trị sông và Phòng chống thiên tai - Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, bờ sông và bờ biển ở ĐBSCL đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả, cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau, như: Giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.
"Cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phi công trình; quy hoạch lại khu dân cư dọc theo bờ sông, bờ biển bị sạt lở trên cơ sở so sánh chi phí di dời và xây dựng công trình để quyết định cho phù hợp" - ông Lê Thanh Chương nhấn mạnh.
PGS-TS Tô Văn Thanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho hay viện này đã phối hợp với tỉnh Cà Mau nghiên cứu xây dựng đề án chống sạt lở ven biển. Kinh phí dự kiến để bảo vệ toàn bộ 254 km đường bờ biển lên tới khoảng 31.000 tỉ đồng.
Thời gian qua, Cà Mau đã chủ động huy động các nguồn lực xã hội cũng như ngân sách để thực hiện đề án này. Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 2.000 tỉ đồng (hơn 6% kinh phí) nên Cà Mau cần nhiều giải pháp nữa để tháo gỡ vấn đề kinh phí.
Ông Nguyễn Thanh Tùng cho hay hiện nay, Cà Mau còn hơn 80 km bờ biển bị sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, cần xử lý gấp trong thời gian tới. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét phê duyệt một đề án riêng về bảo vệ đê ven biển cho địa phương.
Trong khi đó, UBND tỉnh Tiền Giang thường xuyên tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về việc nâng cao ý thức và trách nhiệm phòng ngừa sạt lở. Ngoài ra, tích cực trồng cây chắn sóng, chắn gió; gây nuôi lục bình tạo bãi để hạn chế tình trạng sạt lở sông ngòi, kênh rạch, gắn với kiểm tra, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Đối với giải pháp công trình, tại những điểm sạt lở quy mô vừa và nhỏ, UBND tỉnh Tiền Giang hỗ trợ các địa phương kinh phí xử lý, khắc phục; đồng thời phân cấp việc quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn. Khi xảy ra sạt lở, các địa phương phải chủ động kiểm tra, rà soát thiệt hại, phân loại và sắp xếp thứ tự ưu tiên dựa theo mức độ sạt lở để tiến hành xử lý rốt ráo.
Mất 17 triệu m3 và hơn 458 ha đất
Theo ông Lê Thanh Chương, ĐBSCL có 743 điểm sạt lở với tổng chiều dài 794 km. Trong đó, 686 điểm sạt lở ở bờ sông với tổng chiều dài gần 600 km và 57 điểm sạt lở ở bờ biển dài hơn 200 km. Trong số các điểm sạt lở này, 168 điểm ở mức đặc biệt nguy hiểm và hơn 200 điểm nguy hiểm.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, toàn vùng có gần 22 triệu m3 đất cát lòng sông bị xói lở nhưng khối lượng bồi đắp chỉ gần 5 triệu m3 - tức bị mất khoảng 17 triệu m3. Đối với bờ biển, ĐBSCL có hơn 400 km bị sạt lở, làm mất hơn 458 ha đất.
Năm 2023, Trung ương đã chi gần 4.000 tỉ đồng để ĐBSCL khắc phục sạt lở, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)