TP HCM có 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Sau 20 năm đi vào hoạt động kinh doanh, cả 3 ngôi chợ này đều bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Từ khi mở cửa hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19 đến nay, cả 3 chợ vẫn chưa thể phục hồi kinh doanh như trước. Năm 2023, lượng hàng hóa nhập về 3 chợ đầu mối giảm 500 - 1.500 tấn/đêm so với năm 2019.
Mô hình cũ khá lạc hậu
Những thông tin này đã được đưa ra tại hội thảo "Tổ chức hoạt động chợ đầu mối trong ngắn hạn nhằm thích ứng với yêu cầu kiểm soát dịch bệnh và khởi đầu cho việc hướng đến mô hình hiện đại" do Sở Công Thương TP HCM tổ chức ngày 27-12.
Trước thực trạng đó, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng để thích ứng với tình hình mới, hệ thống chợ đầu mối không thể đứng ngoài xu thế chuyển đổi số mô hình hoạt động. Bà Trần Thị Hồng Liên, đại diện nhóm nghiên cứu đề án "Phát triển hệ thống chợ tại TP HCM thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế" (do Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM phối hợp Sở Công Thương TP HCM thực hiện), nêu thực tế các chợ đầu mối đang chuyển đổi số mức thấp và trung bình. "Mức độ trưởng thành số của chợ đầu mối gồm 3 cấp độ. Trong đó, cấp độ 1 là công ty quản lý chợ hiện đại hóa quản trị nội bộ, thông tin chung về chợ công khai trên website; cấp độ 2 - chuyển đổi số quản trị quan hệ khách hàng (thương nhân và khách vào chợ); cấp độ 3 - chuyển đổi toàn diện mối quan hệ 3 bên và ứng dụng thương mại điện tử. Hiện cả 3 chợ mới triển khai cấp độ 1" - bà Hồng Liên thông tin.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, thừa nhận mô hình chợ đầu mối tại thành phố đang khá lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, thành phố đang nghiên cứu mô hình mới của hệ thống chợ đầu mối đáp ứng 5 yêu cầu: hiện đại, giải quyết được vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra khỏi chợ về các kênh bán lẻ; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; bảo đảm bộ máy quản lý, đáp ứng sự vận hành của một chợ đầu mối hiện đại; bảo đảm cơ chế thực thi đối với mô hình quản lý, vận hành chợ đầu mối trong bối cảnh chuyển đổi số.
Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Mở TP HCM và đại diện các sở, ngành đề xuất giải pháp chuyển đổi số mô hình hoạt động để giúp thích ứng của hệ thống chợ đầu mối hiện nay. Việc chuyển đổi số giúp định hướng khách hàng, tham gia thị trường rộng hơn, không chỉ thị trường trong nước mà có thể tham gia xuất khẩu.
Cơ hội từ chuyển đổi số
Các chuyên gia phân tích thói quen mua hàng qua sàn thương mại điện tử đã phá vỡ kênh kinh doanh truyền thống khiến chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm, vắng khách. "Các chợ đầu mối đang đứng trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Để vượt qua thách thức này, chuyển đổi số chính là cơ hội của tiểu thương và doanh nghiệp" - ông Nguyễn Thanh Hòa, Trưởng Phòng Thông tin điện tử Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM, nói.
Theo ông Hòa, định hướng chuyển đổi số cho các chợ đầu mối tại TP HCM cần quan tâm 4 trụ cột cơ bản: nguồn nhân lực số, quy trình kinh doanh mới, công nghệ và dữ liệu. Nếu thiếu một trong 4 yếu tố này, quá trình chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ thành công không cao.
Cùng quan điểm, TS Lê Thị Hải Yến, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Kinh tế - Luật TP HCM, cho rằng hành vi mua sắm của người Việt đang thay đổi rõ rệt theo nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt kể từ sau đại dịch COVID-19. Biểu hiện dễ thấy nhất là người tiêu dùng nhanh chóng chấp nhận các nền tảng mua sắm số, chuyển sang mua sắm trên các nền tảng và hình thức livestream (quay video trực tiếp) trên TikTok Shop, Shopee, Lazada, Tiki, VnShop, Sendo... Kết quả thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho thấy từ sau năm 2021, tổng giá trị thương mại điện tử của thị trường Việt Nam tăng nhanh. Riêng năm 2023, con số này dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng 25% so với năm 2022 (tương đương tăng hơn 4 tỉ USD so với năm trước). Các phương thức thanh toán số cũng được chấp nhận rộng rãi…
Dù nhìn nhận mua sắm tại chợ vẫn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng hiện nay, TS Hải Yến chỉ ra mô hình chợ truyền thống đã không còn thỏa mãn được những yêu cầu và thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại số. "Việc thiết kế các mô hình chợ truyền thống kết hợp hiện đại không phải là việc khó đối với công tác quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, rất cần những giải pháp mang tính phù hợp và có lộ trình để bảo đảm tất cả các nhóm trong hữu quan (người mua, người bán, nhóm quản lý...) có đủ thời gian và sự nỗ lực để có thể triển khai đồng bộ và hiệu quả, bắt kịp tốc độ thay đổi của thời đại mới" - TS Hải Yến đặt vấn đề.
Xây dựng chợ đầu mối thành trung tâm logistics
Nhìn ở góc độ logistics, TS Nguyễn Thị Bích Trâm, đại diện nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Mở TP HCM, cho hay chợ đầu mối luôn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa, kết nối giữa nguồn cung ứng với phân phối và tiêu dùng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, những hoạt động và dịch vụ logistics tại các chợ đầu mối dường như chưa được quan tâm đúng mức và đồng đều. Điều này sẽ hạn chế sự phát triển mạnh mẽ của chợ đầu mối cũng như sự thông suốt và tối ưu của dòng lưu chuyển hàng hóa trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Từ thực tế này, TS Bích Trâm đề xuất gia tăng năng lực quản trị logistics tại các chợ đầu mối ở TP HCM. Trong đó, xác định chợ đầu mối như là một trung tâm logistics, xây dựng các trung tâm phân phối hay kho lưu trữ vệ tinh để giảm tải và điều phối các luồng hàng hóa vào/ra thành phố; xây dựng và phát triển kho lạnh, hệ thống tủ điện sạc container lạnh tại bãi xe, quy trình khai thác hàng lạnh... tại chợ đầu mối. Song song đó, phát triển nền tảng hệ thống công nghệ thông tin logistics, áp dụng công nghệ điện toán đám mây để hình thành và phát triển các hệ thống đa chức năng cho phép việc truy cập, chia sẻ thông tin và tạo sự tiện dụng cho các bên liên quan trong những hoạt động logistics khác nhau.
Bình luận (0)