Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sau buổi chia sẻ tại lớp đào tạo chuyên sâu đánh giá và quản lý rủi ro cây xanh do Hiệp hội Cây xanh Việt Nam và Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM tổ chức, ông Eric Ong, Giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore, kể lần đầu ông đến TP HCM là năm 2019, đến nay thành phố đã có những bước phát triển thể hiện sự quản lý tốt và chặt chẽ hơn từcCông ty cây xanh cùng các đơn vị có liên quan. Cụ thể như công tác cắt tỉa cây đã thực hiện hiệu quả về tỉa cành, khống chế chiều cao, giảm tán và đặc biệt là đã hệ thống đánh số từng cây xanh.
"Tuy nhiên, qua quan sát, TP HCM vẫn còn những cây xanh bị cắt tỉa chưa đúng kỹ thuật" - ông Eric Ong nhận xét.
Theo ông Eric Ong, ở TP HCM có rất nhiều cây lâu đời, tuổi thọ lên đến hàng trăm năm. Ngày trước, công tác quản lý cây xanh trước đây chưa phát triển nên đa phần cây sẽ được trồng ở những không gian nhỏ, hẹp, trong những điều kiện không lý tưởng và thế hệ sau này tiếp nhận từ đó. Chưa kể, còn có sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hoá.
Những cây này đã quá già, cành nhánh cũng không còn nhiều. Nếu cắt tỉa, bỏ đi quá nhiều cành nhánh của cổ thụ, trong khoảng thời gian ngắn có thể giảm thiểu rủi ro cây gãy, đổ.
Nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cây, khả năng cây gãy, đổ vì thế lại tăng lên.
Đây là những vấn đề, khó khăn lớn mà ban quản lý cây xanh cần phải nhìn nhận để có những hành động kịp thời áp dụng quản lý tốt cây xanh đô thị ở TP HCM.
Ông Eric Ong khẳng định Công ty TNHH MTV Cây xanh TP HCM quản lý cây xanh khá chặt chẽ, đã nỗ lực không ngừng vì mong muốn giảm thiểu rủi ro cây xanh.
Các công nhân đốn hạ cây lâu năm bị mối mục trên đường Lê Quý Đôn, quận 3 vào cuối tháng 8
Khi sự cố cây xảy ra, ngoài việc chịu ảnh hưởng từ thời tiết, thì còn nhiều nguyên nhân khác như rễ hư hỏng, bật gốc, mối mục, thân bọng... khiến cây yếu gãy ngang hoặc tán lá không cân đối. Đặc biệt, với sự biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng cũng không ngoại lệ. Việc áp dụng công nghệ - kỹ thuật để quản lý cây xanh chỉ là một phần, TP HCM cần có thêm nguồn nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bao gồm các chuyên gia, kỹ sư và đội ngũ cắt tỉa. Đặc biệt, phải có sự đồng bộ về kỹ thuật và sự giám sát từ các chuyên gia để đội ngũ cắt tỉa thực hiện đúng quy trình, tránh cắt tỉa sai kỹ thuật.
Ông Eric Ong cho biết ở Singapore cũng có lúc cây xanh ngã, đổ nhiều do thiên tai. Đơn cử, tháng 9 vừa qua, Singapore chịu ảnh hưởng của lốc xoáy đã có 300 cây bị bật gốc, ngã đổ.
"Điều đó cũng chứng tỏ những phương án chăm sóc cây xanh mà chúng tôi đã và đang làm là chưa đủ. Qua sự cố, các đơn vị phải biết tự rút kinh nghiệm, tìm phương pháp giảm thiểu rủi ro" - Giám đốc cây xanh đô thị thuộc Hội đồng công viên quốc gia Singapore nói.
Cũng theo ông Eric Ong, TP HCM có gần 8.000 cây xanh lâu năm là con số rất lớn, không nên đốn hạ và thay thế cùng một lúc. TP HCM phải xác định chu kỳ thay thế hiệu quả, thay thế dần để cây có thời gian thích nghi. Mỗi năm cần đánh giá lại tiến độ, đưa ra quyết định liên quan thực hiện tăng tốc hoặc chậm lại việc đốn hạ và thay thế cây để đảm bảo mảng xanh bao phủ thành phố được khỏe mạnh, mỹ quan.
Trong quá trình xử lý cây xanh có thể xảy ra nhiều ý kiến trái chiều. Để hạn chế việc này, đơn vị phụ trách nên dán thông báo trên thân cây chuẩn bị đốn hạ, cắt tỉa để lý giải cho người dân. Mặc khác, nếu có thắc mắc, người dân có thể gọi điện trực tiếp để hỏi chuyên gia cây xanh.
Hiện nay, TP HCM đang có hơn 200.000 cây xanh trồng trên hơn 1.200 tuyến đường, được chia thành 4 loại gồm cây mới trồng, cây loại 1, 2 và 3. Trong đó, gần 8.000 cây loại 2 và 3 thuộc diện trồng lâu năm, kích thước lớn và cũng là nhóm tiềm ẩn nguy cơ gãy, đổ. Các cây lâu năm này tập trung nhiều ở các tuyến đường lớn với mật độ giao thông cao như trường học, bệnh viện, cơ quan...
Trong khoá học, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP HCM đưa ra kế hoạch thay thế cây lâu năm trong 10 đến 15 năm và đây là một khoảng thời gian khá tốt. Trong thời gian này có thể ưu tiên loại bỏ trước những cổ thụ có nguy cơ gãy đổ cao và dần dần thay thế để cây con có thời gian phát triển.
Dùng ứng dụng online để quản lý cây xanh
Trong khoá học này, các chuyên gia Singapore đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, trong đó, sự khác biệt trong quản lý cây xanh ở Việt Nam và Singapore thể hiện rất rõ trong việc sử dụng ứng dụng (App online) theo dõi cây xanh trên hệ thống.
Cây xanh ở Singapore đã được gắn 3.000 máy cảm biến độ nghiêng trên các thân cây. Máy này có lắp sim truyền tín hiệu về trung tâm xử lý hoạt động trên ứng dụng online. Nếu cây nghiêng đột ngột 5 độ so với phương thẳng đứng, phía quản lý cây xanh sẽ lên phương án đốn hạ hoặc chằng chống.
Theo các chuyên gia Singapore, ứng dụng này được ghi chép rất rõ ràng về thông số như ai là người kiểm tra, thời gian kiểm tra… Nhờ vậy, khi có sự cố cây xanh xảy ra sẽ có dữ liệu minh chứng rõ ràng. Qua đó cũng thể hiện trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.
Việc kiểm tra cây xanh cũng được hoạch định sẵn. Những cây ở xa khu dân cư, ít người qua lại sẽ kiểm tra trung bình 1 lần/năm; những cây được trồng khu vực dân cư đông đúc, mật độ giao thông cao, sẽ kiểm tra là 6 tháng/lần với quy trình kiểm tra điền phiếu và cập nhật ngay vào hệ thống.
Các chuyên gia nói thêm chỉ nhìn sẽ không gọi là kiểm tra cây xanh. Việc kiểm tra thêm hay kiểm tra nhanh bằng quan sát sẽ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, thường thấy sau khi xảy ra mưa dông.
Cũng tại khoá huấn luyện, máy siêu âm cắt lớp (chi phí khoảng 400 triệu đồng); nhiệt kế hồng ngoại lập biểu 3D mặt cắt của cây; máy mũi khoan phản lực kiểm tra thân, gốc rễ (chi phí gần 900 triệu đồng) đã được đưa vào thực hành. Đây là công nghệ hàng đầu thế giới để thẩm định cấu trúc an toàn của cây.
Bình luận (0)