Nói về phương thức tuyển sinh 3 chung như hiện nay, PGS-TS Văn Như Cương, phương án thi “3 chung” đáng lý phải cáo chung từ lâu. Nêu quan điểm tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đột phá trong thi cử và khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm” trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ, ngày 4-12, PGS-TS Văn Như Cương, cho rằng đầu vào chung đề nhưng đầu ra của mỗi trường có những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn có rất nhiều trường ĐH tuyển sinh vào khối A nhưng thí sinh thi vào Trường ĐH kinh tế học toán ra để ứng dụng vào ngành kinh tế, học ĐH Khoa học Tự nhiên để ra làm giáo viên..., việc cùng làm một đề thi giống nhau là hoàn toàn bất hợp lý. "Nên kết thúc phương thức thi “3 chung” để cho các trường tự chủ"- PGS-TS Văn Như Cương, nêu rõ quan điểm.
Thông tin cho biết tại thời điểm này đã có 17 trường đã đăng ký tuyển sinh riêng, trong đó ĐH Quốc gia Hà Nội thí điểm tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực trong thời gian 4 giờ 30 phút.
Theo phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội thì mùa tuyển sinh ĐH tới dự kiến sẽ đổi mới theo hướng thí điểm tuyển sinh theo hình thức đánh giá năng lực (gồm 10 năng lực cơ bản) trong thời gian khoảng 4 giờ 30 phút. Bài thi có phần đánh giá tổng hợp cả về ngôn ngữ, tổng hợp khoa học tri thức và năng lực về tư duy, về sáng tạo. Bên cạnh đó, trường cũng sẽ đánh giá hồ sơ và phỏng vấn thí sinh. Hình thức này trước tiên sẽ thí điểm ở một số chương trình đào tạo đặc biệt như cử nhân tài năng, đào tạo theo chương trình tiên tiến, chất lượng cao.
Tự chủ trong tuyển sinh là điều tất yếu nhưng tự chủ như thế nào để các trường đạt được mục đích cao nhất là tuyển đúng đối tượng học sinh sinh cũng là vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn.
PGS.TS Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ - Địa chất cũng như nhiều ý kiến khác cho rằng trong điều kiện bảo đảm minh bạch, công khai ở VN còn quá nhiều hạn chế, thì nếu thi riêng mà người phỏng vấn đánh giá theo chủ quan hay “chấm điểm theo quan hệ” thì kết quả thi cử sẽ không thể chính xác. Hình thức phỏng vấn rất phù hợp với việc tuyển sinh hẹp, đối tượng tuyển sinh cho các chương trình chất lượng cao như ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến triển khai còn khi tiến hành đại trà, mỗi trường có đến vài chục nghìn thí sinh thì phương thức này chắc chắn cần những điều chỉnh cho phù hợp.
Phương thức thi riêng tùy theo nhu cầu, đặc thù của mỗi trường cũng là rào cản lớn đối với thí sinh không trúng tuyển, bởi các em không thể dùng kết quả này đi xét tuyển vào trường thi riêng khác hay trường thi theo phương thức 3 chung. Và như vậy thì không chừng thí sinh vừa tham gia đợt thi riêng do trường tổ chức vừa thi theo 3 chung do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Một số khó khăn, cũng như những biểu hiện tiêu cực khi tiến hành thi riêng cũng được nhiều trường ĐH nhắc đến như thời điểm tổ chức thi, không có giáo viên dạy các môn văn hóa ra đề hay chuyện nới lỏng đề thi, chấm thi dễ dãi để tuyển được thí sinh...
Trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở ĐH là xu hướng tất yếu, phù hợp với luật giáo dục ĐH nhưng có quá nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trước khi thực hiện. Nếu không, việc tuyển sinh riêng có thể để lại nhiều hậu quả sau này mà Bộ GD-ĐT sẽ phải đau đầu giải quyết.
Bình luận (0)