Sau ngày Hiệp định Genève được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc khôi phục và cải tạo kinh tế ở miền Bắc, củng cố miền Bắc về mọi mặt làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà và kiên quyết đấu tranh đòi đối phương thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève để tiến tới hiệp thương thống nhất đất nước.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ với bao khó khăn, gian khổ, trường kỳ vì phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã khẳng định quyết tâm chiến đấu đến cùng để giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, ý chí của Người đã trở thành ý chí của toàn dân tộc. Cả nước từ Bắc đến Nam nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Người đã dốc toàn bộ sức người, sức của vào cuộc chiến đấu với niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo của vị lãnh tụ tối cao. Bác nhận định:
"Nước Việt Nam ta nhất định phải thống nhất.
Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà.
... Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta.
Đại đoàn kết là một lực lượng tất thắng".
Người nói: Nền có vững, nhà mới chắc; gốc có mạnh cây cối mới tốt. Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta để đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Để tăng cường thêm sức mạnh cho hậu phương miền Bắc còn có một lực lượng lớn cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết. Người còn có sáng kiến đưa hàng vạn thanh thiếu niên, học sinh miền Nam ra miền Bắc để đào tạo thành những cán bộ có đủ trình độ về mọi mặt cho hậu phương miền Bắc và cho cách mạng miền Nam trong thời kỳ chiến tranh và sau ngày đất nước thống nhất. Điều này thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Bác, mang lại hiệu quả lớn.
Tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi thành phố (quận 3, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Từ năm 1965, Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam và mở rộng ném bom ra miền Bắc. Trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên cả hai miền Nam - Bắc. Người động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước ra sức sản xuất, chiến đấu với khẩu hiệu "tay cày tay súng", "mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt".
Cũng trong khoảng thời gian này, Người bắt đầu viết Di chúc (15-5-1965). Phần nói về triển vọng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác khẳng định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non còn nước còn người
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Theo đà phát triển thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 10-5-1969, ở phần chống Mỹ cứu nước, Người đã viết lại, đưa lên đầu bản Di chúc với lời khẳng định ngắn gọn: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".
Lời khẳng định trên được Bác đề cập từ rất sớm trong diễn văn bế mạc lễ Quốc khánh kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1960) tại Nhà hát Lớn Hà Nội: "Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí bền bỉ đấu tranh chậm lắm là 15 năm nữa..., trong vòng 15 năm nữa thì Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà".
Như vậy là trong một đoạn văn ngắn có 3 lần Bác nhắc đến con số 15, đặc biệt là hai lần cuối. Trong bút tích, Bác đã gạch đoạn viết trên (có ý nhấn mạnh?). Chính vì vậy mà trong Hồ Chí Minh toàn tập, đoạn viết về dự đoán ngày thống nhất "chậm nhất là 15 năm nữa, trong vòng 15 năm nữa" không được đăng. Về tư liệu này, Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1987 đã công bố bút tích của Bác trên Báo Nhân Dân.
Điều dự đoán thiên tài đó làm cho chúng ta hết sức kinh ngạc. Bởi vì cuộc kháng chiến chống Mỹ vào những năm 60 còn đang hết sức khó khăn như Bác nói: "Năm 1960, quân dân miền Nam chưa có một tấc sắt trong tay, kẻ địch thì đủ mọi thứ", vậy mà Bác có một sự tính toán nào đó để cho ra con số 15 thần kỳ - thời điểm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975 với chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh lịch sử.
TP HCM, tháng 4-2020
Biết trước Mỹ sẽ thả bom bằng B52
Trong chuyến đi thăm cán bộ, chiến sĩ Đại đội I tiểu đoàn 1 Tam Đảo bộ đội Phòng không Không quân ngày 19-7-1965, Bác căn dặn các chiến sĩ "phải tin tưởng vững chắc là ta nhất định thắng, Mỹ nhất định phải thua... Phải khẳng định rằng: Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52 hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đã đánh là nhất định thắng".
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ cuối năm 1967, Bác đã chỉ đạo: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ và chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bác, lực lượng Phòng không Không quân của ta từ năm 1967 đã đưa nhiều đơn vị tên lửa vào chiến trường để nghiên cứu cách đánh B52 và nghiên cứu xây dựng kế hoạch tác chiến đánh B52 bảo vệ Hà Nội. Ngày 17-9-1967, Tiểu đoàn 84 thuộc Trung đoàn 238 đã bắn tan xác chiếc B52 đầu tiên trên chiến trường Việt Nam tại vùng sông Bến Hải (Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Từ tháng 9-1971, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho các Đảng bộ trong toàn quân: "B52 không chỉ đánh phá ở miền Nam. Đến mức nào đó, chúng cũng có thể đánh vào thủ đô Hà Nội, Quân chủng Phòng không Không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này". Ngày 22-11-1972, Trung đoàn tên lửa 263 đã bắn rơi chiếc B52 tại Nghệ An. Quân chủng Phòng không Không quân được lệnh của Bộ Quốc phòng đã tổ chức rút kinh nghiệm ngay trên xác chiếc máy bay được dùng làm giáo cụ trực quan để tìm cách đánh cho toàn quân. Một tài liệu mang tên "Cách đánh B52" đã kịp thời được đúc kết và phổ biến trong toàn binh chủng, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đọ sức diệt B52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12-1972 với kết quả thắng lợi rực rỡ. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc nước ta hơn 100.000 tấn bom. Riêng Hà Nội với 444 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, dội 10.000 tấn bom (bằng quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản) tàn phá không biết bao nhiêu nhà cửa, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, giết chết hàng mấy ngàn dân thường... Ngược lại, Mỹ cũng đã chịu những thất bại thảm hại. Trong 12 ngày đêm, đã có 82 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, trong đó có 34 chiếc B52. Thắng lợi này đã làm cả Mỹ và Liên Xô đều kinh ngạc, điều mà chưa nước nào làm được, đó là nhờ vào "cách đánh của Việt Nam".
Bình luận (0)