Nền kinh tế gần nửa thế kỷ trăn trở nhiều phen, biết bao người làm ăn nổi trôi theo thời cuộc biến động. Hơn 30 năm đổi mới tuy chưa cho chúng ta bằng lòng với những mong ước nhưng trong chừng mực đã đưa đất nước thoát khỏi một thời kỳ dài đầy khó khăn. Số liệu thống kê chính thức cho thấy thu nhập bình quân đầu người của chúng ta - theo Ngân hàng Thế giới - vào những năm cuối thập niên 1970 chỉ mới 40 USD; năm 1993 nhờ thừa hưởng những giá trị ban đầu của thời kỳ kinh tế chuyển đổi, con số này là 164 USD và năm 2020 này lên đến gần 3.000 USD.
Đáng tiếc là nền kinh tế tăng trưởng mà đất nước vẫn chưa phát triển do nhiều hạn chế chủ quan.
45 năm qua dù từng lúc cái được cái mất đan xen vào nhau nhưng rõ ràng cuộc sống của người dân đã được cải thiện rất nhiều về mọi mặt, các giá trị tinh thần đang phát huy. Có được như hôm nay không hề là chuyện đơn giản nếu chúng ta nhớ lại những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất, hai miền Nam - Bắc đều cùng trong một cơ chế quản lý kinh tế bao cấp và trở nên nghèo gần bằng nhau. Tại miền Nam, chủ yếu là thành phố Sài Gòn và một vài đô thị lớn, người kinh doanh trải qua hai đợt cải tạo công thương nghiệp trong chừng mực đã bị chấn thương. Những đợt đổi tiền sau đó gây tâm lý hoang mang trong xã hội lại không được trấn an đúng mức.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một buổi trao đổi cùng Nhóm Thứ Sáu (Ảnh tư liệu của tác giả)
Kinh tế ở miền Nam từ cuối năm 1975 như một chiếc xe vận hành theo quán tính với tốc độ giảm dần, tỉ lệ thuận với sự thiếu hụt phụ tùng và nhiên liệu. Người kinh doanh làm ăn theo hướng tự phát nhờ vận dụng các kinh nghiệm về thị trường vốn có ở miền Nam hàng chục năm trước. Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc trước đó đã trở nên đơn điệu khi chất liệu tạo màu ngày càng cạn kiệt mà chưa có nguồn bổ sung. Làm sao tháo gỡ tình trạng ấy, đó là nỗi trăn trở của những người lãnh đạo một thành phố lớn nổi tiếng năng động, với nhiều chủ trương tháo gỡ trong đó có việc vận động lớp trí thức Sài Gòn góp phần vào các chương trình, dự án phát triển.
Vào đầu năm 1976, một cuộc hội tụ trí thức được chính quyền cách mạng hình thành với tên gọi đơn giản là Ban Khoa học - Kỹ thuật, đến năm 1984 được tổ chức bài bản hơn với danh xưng ủy ban, là tiền thân của Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường thuộc UBND TP HCM sau này vào năm 1994. Thế nhưng, bề dày của cơ quan này có thể không còn trong ký ức của nhiều người từng tham gia mà nay mỗi người đã đi một ngả. Điều đáng nói, đây chính là thời kỳ đầu 1976-1984, Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật TP HCM, với nét đặc trưng là tập hợp và phát huy đội ngũ trí thức từ nhiều nguồn đào tạo khác nhau nhằm phục hồi sản xuất gần như đang hồi cạn kiệt. Cánh cửa tuy hẹp nhưng nhiều trí thức chế độ cũ, vốn lạc lõng trong không gian sống bấp bênh, đã xem ủy ban này như một bến đỗ bình yên. Cũng vào thời buổi ban đầu ấy, một địa chỉ sinh hoạt thông thoáng hơn, đó là Hội Trí thức yêu nước, thường tổ chức hội thảo và đưa trí thức đi xây dựng nông trường kinh tế mới, còn là nơi được nhắc đến khi liên hệ bảo lãnh cho các trí thức tên tuổi chế độ cũ vượt biên bị bắt. Trong tình hình tranh tối tranh sáng của những năm cuối thập niên 1970, nhiều trí thức bỏ nước ra đi nhưng cũng có những người đã đến với chính quyền mới, dù thời gian tiếp xúc chưa đủ để hình thành một mối thân tình, nhất là khi khái niệm "lưu dung hay lưu dụng" vẫn đang là nỗi hoang mang của phần đông trí thức Sài Gòn.
Đến với sự quy tụ hồi ấy là một số nhân vật điển hình như tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (Phó Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam), tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo (Phó Thủ tướng), kỹ sư Dương Kích Nhưỡng (Bộ trưởng Công chánh), Thứ trưởng Kinh tế Lâm Võ Hoàng, đại tá công binh VNCH Phan Văn Điển - người xây dựng Dinh Độc lập, tiến sĩ Châu Tâm Luân, hay các tiến sĩ, giáo sư Đại học Khoa học Sài Gòn như Chu Phạm Ngọc Sơn, Trần Kim Thạch, Bùi Thị Lạng cùng nhiều kỹ sư nông nghiệp, bách khoa, các chuyên viên thuộc nhiều nguồn đào tạo, hàng trăm cộng tác viên từ các trại học tập cải tạo trở về, hy vọng có được tấm giấy hộ khẩu giải quyết phần nào nhu cầu cuộc sống.
Thành quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức này bao gồm nhiều lĩnh vực và cũng lắm vấn đề có tính cấp bách được mổ xẻ như cải tổ luật, ngân hàng, ngân sách, hành chính, chiến lược Nam Bộ, nghiên cứu phát triển vùng lúa năng suất cao...
Phần lớn các công trình nghiên cứu được gửi đến nhiều nơi nhưng có vẻ như số phận cũng hẩm hiu, được lưu trữ trong nhiều hồ sơ như một tư liệu, ngoại trừ Công ty Dịch vụ Kỹ thuật do chuyên viên kinh tế Nguyễn Văn Sơn điều phối là thành công hơn cả bởi đáp ứng được nhu cầu thực tế của đời sống sản xuất, giải quyết được phần nào thu nhập cho nhiều người.
Lãnh đạo TP HCM lúc ấy là Bí thư Võ Văn Kiệt, một người nổi tiếng chiêu hiền đãi sĩ, vẫn chưa sử dụng được nguồn tài nguyên chất xám này do bị bao vây bởi thành trì bao cấp. Để tìm lối thoát cho kinh tế - xã hội đang cực kỳ khó khăn giữa thập niên 1980, ông chủ trương bung ra sản xuất với hàng loạt tháo gỡ thành công. Đó là giai đoạn "đêm trước Đổi Mới" kéo dài nhiều năm trước khi nền kinh tế có dấu hiệu chuyển đổi và khởi sắc vào năm 1986.
Một trong những mô hình thành công là việc cho ra đời nhiều công ty xuất nhập khẩu trực dụng như Imexco, Fidimex, Direcximco…, mà Cholimex là một trong những điểm sáng.
Cholimex trực thuộc quận 5 là một công ty xuất nhập khẩu có uy tín nhưng trong tình hình thiếu hụt nhân sự lúc bấy giờ, lại bổ nhiệm người phụ trách Phòng Kế hoạch là một nhà giáo, ông Phan Chánh Dưỡng, chưa bao giờ tiếp cận với hoạt động kinh doanh. Để có thể làm tròn nhiệm vụ được giao, ông Dưỡng hiểu rằng việc đầu tiên cần làm là phải thu hút chất xám từ bên ngoài và đã mở rộng cửa chào mời các chuyên viên có kiến thức và am hiểu chuyên môn để mời về hợp tác.
Thế là Cholimex trở thành điểm hội tụ trí thức cũ mà đôi lúc ông ví von như cuộc hội ngộ của nhóm Lương Sơn Bạc thời xưa. Sự gặp gỡ như một duyên lành này đã mở ra một quá trình gắn bó lâu dài anh em lại với nhau qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi mà đầu tiên là "Nhóm chuyên gia Cholimex" có nhu cầu gặp gỡ ngoài giờ hành chính vào mỗi chiều thứ hai, tư và sáu với một bữa cơm thanh đạm ăn nhờ công ty.
Năm 1986, ông Võ Trần Chí, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP HCM, trong một lần đến thăm Công ty Cholimex và các chuyên viên đang sinh hoạt ở đây, qua đề xuất của ông Phan Chánh Dưỡng, đã đồng ý để anh em "tụ họp hợp pháp" bằng một tờ giấy đơn giản không mang tính hành chính ghi tên hơn 20 trí thức cũ, thừa nhận đây là "Nhóm nghiên cứu Kinh tế chuyên đề".
Tuy điểm xuất phát khác nhau nhưng do hoàn cảnh và tâm tư có điểm chung nhất là đang cần việc làm để được yên thân, trong đó có nhiều người trở về từ các trại học tập cải tạo - đã hội tụ thân thiết như thành viên trong gia đình, gặp nhau cùng lạm bàn chuyện thế sự và chẳng ai có tham vọng riêng tư. Bao trùm lên trên các thực thể của nhóm là rất nhiều cái "KHÔNG": không giấy phép thành lập, không có chủ quản, không nội quy - điều lệ, không trụ sở, không ai lãnh đạo ai, không kinh phí, không vụ lợi, không ràng buộc, không hơn thua với ai… Nói theo ông Võ Trần Chí, anh em tuy với nhiều cái KHÔNG nhưng được một cái lớn là CÓ tấm lòng.
Các vị lãnh đạo thường đến tham dự cùng nhóm nghiên cứu trong đó có ông Võ Trần Chí, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Phó Chủ tịch Phạm Chánh Trực cùng nhiều quan chức các ban, ngành và đôi lúc có cả những cán bộ lãnh đạo Trung ương như ông Trần Bạch Đằng, Lê Văn Triết. Ngoài ra, còn có nhóm chuyên viên trợ lý ông Võ Văn Kiệt như ông Vũ Quốc Tuấn, Nguyễn Thiệu, Đào Xuân Sâm, Nguyễn Trung. Nhờ vậy nhóm được cơ hội đối thoại trực tiếp với các chuyên viên cao cấp gần gũi với lãnh đạo nhà nước. Và cũng chính nhờ có không khí cởi mở này mà anh em đã mạnh dạn đề xuất ra nhiều ý kiến sáng tạo, tìm đường thoát ra khỏi bóng tối thời bao cấp.
Chẳng hạn như đề tài nghiên cứu về "Giá - Lương - Tiền" hồi giữa năm 1980 khi lưu thông hàng hóa bị đình trệ vì thiếu tiền mặt, nhất là ở nông thôn có tình trạng quay lại phương thức "hàng đổi hàng". Trong bối cảnh đó, các địa phương càng tăng cường các biện pháp ngăn sông cấm chợ với mục tiêu là kiểm soát chặt hàng hóa, điều này càng làm cho sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước lâm vào cảnh bế tắc.
Công trình này mang tên "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" hoàn tất vào tháng 3-1987, gây được tiếng vang tại Hà Nội qua cuộc thuyết trình của các chuyên viên Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước hơn 30 quan chức cấp bộ, thứ trưởng, vụ trưởng và nhiều chuyên viên cao cấp của Chính phủ do ông Võ Văn Kiệt - lúc bấy giờ đang là Phó Thủ tướng - tổ chức.
Đề tài thứ hai liên quan đến hoạt động thiếu hiệu quả của hệ thống ngân hàng và tài chính thời kế hoạch hóa tập trung gắn chặt với nhau như một sinh vật lưỡng tính, cần được tách rời vì có chức năng khác nhau. Đề tài do hai ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng vốn là những người có kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm trong lĩnh vực chuyên môn chủ trì, cũng được sự quan tâm của Chính phủ mà người đứng đầu lúc ấy là ông Võ Văn Kiệt. Những suy nghĩ và đề xuất của anh em trong nhóm dường như có sự lan tỏa cho nên vào năm 1988, khi Chính phủ ban hành Pháp lệnh Ngân hàng, được xem là tiền đề cho Luật Ngân hàng ra đời sau này.
Các đề tài khác sau đó như "Nghiên cứu phát triển ngoại thương", "Kinh tế vùng" cũng đã góp phần vào việc hình thành chính sách của nhà nước.
Năm 1989, nhóm thành lập Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đầu tư (Infotra) mà đề tài được tập trung nghiên cứu là "Khu chế xuất". Có thể nói đây là công trình có giá trị thực tiễn cao vì sau đó nội dung này được áp dụng vào việc hình thành Khu Chế xuất Tân Thuận và Khu Đô thị mới Phú Mỹ Hưng, cùng với hàng loạt chương trình như đại lộ "Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh" - nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh, Khu Đô thị mới Nam TP HCM, Khu Công nghiệp Hiệp Phước... Những năm cuối thập niên 80, do công việc mưu sinh, anh em chỉ còn gặp nhau hằng tuần vào mỗi chiều thứ sáu để trao đổi, bàn bạc nên được gọi tên là "Nhóm Thứ Sáu".
Vào năm 1993, có một sự kiện đáng ghi nhận là các thành viên Nhóm Thứ Sáu gồm ông Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn và Trần Bá Tước được mời tham gia Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, có dịp đóng góp cùng với các chuyên gia tên tuổi vào việc phát triển kinh tế đất nước với vai trò tư vấn.
Sau 40 năm nhập cuộc vào dòng chảy đổi mới, Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu nhận ra mình đã làm hết vai trò cống hiến của một công dân. Đa số anh em trở lại sống đời dung dị với công việc giảng dạy và làm tư vấn cho các công ty, người thì về quê sống đạm bạc, người đoàn tụ gia đình ở nước ngoài và một số người đã vĩnh biệt bạn bè.
Tuy kẻ còn người mất nhưng giá trị đóng góp của giới trí thức Sài Gòn vẫn được ghi nhận qua nhiều công trình nghiên cứu kinh tế và trên báo chí, tập san vào dịp kỷ niệm 30-4 hằ̀ng năm.
Có thể nói, Nhóm Thứ Sáu là một "think tank" đúng nghĩa với hoạt động độc lập, là một loại hình tổ chức dân lập có tính chất tư vấn, hiến kế cho tầng lớp lãnh đạo quốc gia về các vấn đề kinh tế - xã hội với các giải pháp có tính khả thi.
Hiểu như vậy thì "Nhóm Thứ Sáu" cũng có chút tự hào về những đóng góp của mình.
Bình luận (0)