Ở các nước châu Âu, giá trị giao dịch hàng dệt may qua mạng mỗi năm không dưới 78 tỉ euro, các nước châu Mỹ La tinh, 116 tỉ USD. Tại VN, với tiềm năng và thị phần, thị trường thương mại điện tử dệt may dự báo sẽ đạt giá trị giao dịch hàng tỉ USD trong tương lai. Đặc biệt, với phương thức mua bán, trao đổi trực tiếp không qua trung gian, chợ ảo sẽ hình thành một thị trường hàng may sẵn giá rẻ, hàng hiệu giá gốc; vải, phụ liệu, thiết bị phụ tùng dệt may giá gốc (chỉ bằng từ 40%-95% giá thị trường). Hiện tại, qua khảo sát, đã có hơn 80% nhà phân phối sẵn sàng tham gia chợ ảo. Ngân hàng cũng sẽ phát triển được một thị trường thẻ thanh toán (dự báo hơn 1 triệu thẻ, trị giá khoảng 200 triệu USD/năm), và hơn 2.000 thẻ VIP cho các nhà cung cấp của chợ ảo.
VN hiện có trên 2.000 doanh nghiệp (DN) dệt may, tổng doanh số ước tính 7,1 tỉ USD; trong đó nội địa là 2,9 tỉ USD và xuất khẩu 4,2 tỉ USD. Năm 2005 thương mại dệt may dự kiến đạt khoảng 8,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 5,2 tỉ USD. Trong khi năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ “bùng nổ” xuất khẩu hàng dệt may với 143 tỉ USD (năm 2004, xuất khẩu 98 tỉ USD), Ấn Độ dự kiến xuất khẩu 26 tỉ USD, Pakistan cũng đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu 14 tỉ USD năm 2005. Thị phần còn lại của châu Á rất nhỏ nhoi. Nhưng theo ông Vũ Đức Giang, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Dệt may VN (Vinatex), ngành dệt may VN hiện phụ thuộc đến trên 70% nguyên phụ liệu nhập khẩu. Ngành bông VN chỉ đáp ứng được 8% nhu cầu sản xuất, xơ polyester nhập khẩu 100% vì chưa có công nghệ hóa dầu. Công nghệ, thiết bị, phụ tùng cũng nhập khẩu gần như 100%; trong khi công nghệ quyết định đến 70% sự phát triển của ngành. Ông cũng đưa ra con số đáng giật mình: Năm 2004, VN nhập khẩu gần 2 tỉ USD vải, hơn 2,2 tỉ USD phụ liệu. Trong đó, 2,6 tỉ USD vải, nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc! Như vậy, làm sao có thể cạnh tranh được với “người khổng lồ” này!? Chưa kể, cung ứng nguyên vật liệu phải qua ít nhất 3-4 trung gian nên bị đội giá thành, nguy cơ không cạnh tranh nổi với hàng nhập lậu là hiển nhiên.
Với sự vào cuộc của một số nhà tài trợ và các ngân hàng trong, ngoài nước, hiện trung tâm nguyên phụ liệu dệt may đã bắt đầu được triển khai ở Hà Nội, TPHCM, và một số tỉnh lân cận. Ngành dệt may VN đã có cơ sở để tự tin hơn khi bước vào cuộc chạy đua hội nhập.
Bình luận (0)