Với 1.000 số phiếu phát ra cho các DN trong cả nước, kết quả điều tra về thực trạng DN năm vừa qua cho thấy tỉ lệ DN đầu tư vào các dự án mới giảm đi đáng kể. Tỉ lệ DN đầu tư vào dây chuyền thiết bị mới cũng giảm so với năm trước. Nhiều DN tiếp tục lựa chọn đầu tư thiết bị đã sử dụng. Số DN lựa chọn hình thức nghiên cứu đầu tư chiều sâu và thực hiện cải tiến thiết bị hiện có cũng giảm 11% so với năm trước. Ngay cả với việc đánh giá mức độ không thuận của các yếu tố khác đối với hoạt động của DN, thì yếu tố công nghệ thiết bị lạc hậu được đánh giá mức độ dưới trung bình. Điều này cho thấy các DN vẫn hài lòng phần nào với những thiết bị và công nghệ của mình để sản xuất ra những sản phẩm dù chưa đạt trình độ tiên tiến nhất, nhưng vẫn được thị trường, nhất là thị trường trong nước, chấp nhận. Nhận xét này có vẻ khá nghịch lý khi trong các biện pháp tự nâng cao năng lực cạnh tranh, DN vẫn đánh giá cao việc đổi mới thiết bị công nghệ. Qua đây cho thấy một thực tế: DN Việt Nam chưa đủ điều kiện và cả sự tự tin để tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ. Điều này càng thể hiện rõ khi cũng trong đợt khảo sát này, DN đánh giá môi trường vĩ mô về kinh doanh và đầu tư có chuyển biến, nhưng không bằng mức của năm ngoái. DN cũng cho rằng khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Chưa kể có đến 11% DN cho biết họ có khoản vay khó trả và 39% có các khoản nợ khó đòi...
Để DN có thể rút ngắn khoảng cách và nền kinh tế không tiếp tục tụt hậu, vấn đề đặt ra hiện nay là Nhà nước cần có những chính sách tạo động lực cho DN đổi mới công nghệ, thiết bị như cho vay ưu đãi, cải tiến thủ tục vay vốn, giảm lãi suất với những dự án đầu tư có hiệu quả, định hướng và tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư.
Bình luận (0)