Nghe con đề nghị vậy mẹ Lực nghẹn ngào, lại kéo áo chậm nước mắt mắng yêu các con: “Thấy vậy cũng tốn bốn năm chục ngàn đó con, coi như mất cái áo sơmi cho anh chúng mày đấy, mà thôi, bữa chia tay, mẹ làm”. Nghe mẹ nói, cả năm anh em Lực ôm nhau hò reo.
Niềm vui lan khắp quê nghèo
Chiều 22-7, nghe báo tin học trò mình đậu thủ khoa với 21 điểm, thầy Châu Văn Phú - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo, huyện Phù Cát (Bình Định) - vội gọi điện báo tin vui cho các thầy cô trong trường. “Trường mình mới thành lập, năm đầu tiên có lớp 12, vừa rồi có bốn học sinh giỏi cấp tỉnh, không ngờ giờ có thêm học sinh đậu thủ khoa nữa” - thầy Phú hân hoan.
Thầy Hà Văn Ái, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A8, chạy đến tận nhà học trò báo tin vui. Hai mẹ con Đỗ Văn Lực vừa làm cỏ mì ngoài đồng về, nghe tin, bà Hoa - mẹ Lực - chỉ kịp buông cây cuốc ngồi khóc nức nở: “Vậy là cháu đậu rồi hả thầy, thủ khoa là điểm cao hả thầy, có thật vậy không, thầy có nghe nhầm tên cháu không?”.
Các thầy cô Trường THPT Nguyễn Hồng Đạo liên tục nhận tin nhắn chúc mừng. Một ngôi trường khuất nẻo ở phía tây huyện Phù Cát, học trò thôn quê nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ vậy nên lúc đầu nghe tin, các thầy cô ở thị trấn huyện Phù Cát, TP Quy Nhơn cũng nửa tin nửa ngờ.
Mờ sáng hôm sau, ba của Lực, ông Đỗ Văn Lộc là bộ đội đang công tác ở Tây nguyên, vội vàng chạy về với con. “Anh em trong đơn vị mừng lắm, cho tui nghỉ phép một tháng về nhà lo cho cháu, bao năm trời công tác ở Tây nguyên xa con đã lâu, giờ muốn gần con ít ngày trước khi nó vào Sài Gòn học” - ông Lộc nói.
Quê nghèo. Thôn Tân Hóa, xã Cát Hanh lại càng nghèo. Nơi đây quanh năm cháy nắng, đất cát bạt màu chỉ trồng được cây mì. “Giá cả bấp bênh lắm, năm mì được giá thì thong thả một chút, có năm không ai mua, gần chục ký mì củ mới đổi được ký gạo nuôi con. Ơn trời, vợ chồng tui nghèo khổ ráng nuôi các con ăn học, bữa đói bữa no qua ngày, thiệt tình không dám mơ ước cháu đỗ đạt cao” - bà Hoa vui mừng nghẹn ngào kéo vạt áo chùi nước mắt, những giọt nước mắt hạnh phúc của người mẹ tảo tần sớm hôm.
Thèm mua tuyển tập Nam Cao
Lực là con lớn trong nhà. “Vắng cha, tui quanh năm quần quật ngoài đồng bãi, cháu hết giúp mẹ ngoài đồng về nhà lo dạy dỗ bốn đứa em rồi chăm bầy heo, lo cơm nước - bà Hoa kể - Lực giỏi lắm, nó như lao động chính trong nhà, còn biết khâu vá quần áo cho các em nữa đấy. Đứa lớn mặc quần áo vừa chật là dành cho đứa liền kề, tui lo chạy ăn cho bầy con ngày ba bữa đã hụt hơi, lấy đâu ra tiền mua quần áo, dép mũ”.
Lực nói vui: “Quê em nghèo, nhà nào cũng vậy thôi, có phải riêng nhà mình nghèo đâu mà tủi thân. Nhiều bạn trong xóm khổ tới mức không thể đi học được, em được đi học là sướng rồi, dù chỉ có hai bộ quần áo thay đổi, dù đôi dép đã rách mẹ chưa có tiền mua, nhưng đến trường là may mắn lắm”. Ba năm học là cả ba năm Đỗ Văn Lực được bầu làm lớp trưởng. Luôn gương mẫu, đi đầu các phong trào lớp, các hoạt động Đoàn trường.
Một bầy heo thịt sau vườn do Lực chăm sóc đã lớn. Bà Hoa nói con sắp vào đại học nên 3-4 tháng trước lo mua heo giống nuôi dần, chắt chiu từng ngọn lá mớ rau, cốt để dành cho con. Nuôi heo vất vả mà run lắm, dịch bệnh bất ngờ không dám nói trước, may mà không sao, chưa đủ lớn nhưng nay mai kêu bán lấy tiền cho cháu vào Sài Gòn học.
“Mấy ngày thi đại học đầu tháng 7, tui gom góp cho cháu 650.000 đồng vô Quy Nhơn thi. Ở nhờ nhà người quen, dè sẻn chi tiêu, về nhà đưa lại cho mẹ gần 300.000 đồng dặn mẹ để dành, con thi đậu mẹ cho con xin để nhập trường” - mẹ Lực kể. Nghe mẹ nói, Lực phân trần, hôm thi xong vào nhà sách muốn mua bộ tuyển tập Nam Cao về đọc nhưng xót tiền quá, nghĩ công cuốc cỏ mì mỗi ngày chỉ ba bốn chục ngàn đồng nên dằn lòng đem tiền về cho mẹ.
Bình luận (0)