Sự suy giảm diện tích cây xanh không chỉ là hệ quả tất yếu của việc phát triển hạ tầng thiếu cân đối mà còn phản ánh những bất cập trong quản lý, quy hoạch và bảo vệ cây xanh đô thị.
Tỉ lệ đất trồng cây xanh thấp
Theo các báo cáo mới nhất, tỉ lệ đất trồng cây xanh công cộng tại TP HCM hiện chỉ đạt khoảng 0,55 m²/người, rất thấp so với tiêu chuẩn tối thiểu 10 m²/người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt, khu vực nội thành chỉ có độ che phủ cây xanh khoảng 3,9%, khiến TP HCM trở thành một trong những đô thị có mật độ mảng xanh thấp nhất Việt Nam. So với Hà Nội, nơi tỉ lệ đất cây xanh đã đạt khoảng 2,2 m²/người thì TP HCM chỉ bằng một phần tư.
Nếu so với các thành phố lớn trong khu vực thì tỉ lệ đất trồng cây xanh ở TP HCM cũng thấp. Chẳng hạn, Singapore có diện tích phủ xanh hơn 66% diện tích, trung bình mỗi người dân được thụ hưởng khoảng 30 m² cây xanh; Bangkok (Thái Lan) đạt gần 7 m²/người, Tokyo (Nhật Bản) đạt 8-10 m²/người... Đáng chú ý, ở Trung Quốc, những siêu đô thị như Bắc Kinh đã đạt mức 15-16 m²/người, Thượng Hải khoảng 13 m²/người, Quảng Châu lên tới gần 17 m²/người, kèm theo các chiến lược mở rộng vành đai xanh và phát triển công viên quy mô lớn.
Khoảng cách lớn về chỉ số cây xanh này phản ánh rõ TP HCM không chỉ thiếu mảng xanh mà còn thiếu chiến lược dài hạn, quyết liệt để phục hồi và phát triển tài nguyên quan trọng này.
Không chỉ thiếu hụt về diện tích, việc quản lý cây xanh ở TP HCM cũng đang đối mặt với những nhiều vấn đề. Trong những năm qua, nhiều cây xanh, trong đó có không ít cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, đã bị đốn hạ phục vụ cho các dự án hạ tầng. Dù các đơn vị chức năng cam kết sẽ trồng bù cây mới nhưng trên thực tế, những tổn thất môi trường, cảnh quan, sinh thái do mất đi những cây trưởng thành là không thể bù đắp trong ngắn hạn.
Tình trạng chặt hạ, thay thế cây xanh nếu chỉ chủ yếu dựa trên khảo sát nội bộ, thiếu quy trình đánh giá khách quan, khoa học thì có thể dẫn đến nguy cơ lạm dụng tùy tiện.

Cây xanh mới trồng trên đường Hàn Hải Thuyên (quận 11, TP HCM) sau khi chặt hạ 29 cây lớn trên tuyến đường này. Ảnh: NGỌC QUÝ
Ở nhiều thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), bất kỳ quyết định chặt hạ cây xanh nào cũng phải trải qua quy trình thẩm định ba lớp, gồm khảo sát kỹ thuật, phản biện bởi tổ chức khoa học độc lập và lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng. Hồ sơ cây xanh bị đề nghị chặt hạ phải được công khai để nhân dân giám sát, bảo đảm tính minh bạch và ngăn chặn lạm quyền. Cách làm này đã giúp các thành phố lớn kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ mảng xanh ngay cả trong bối cảnh đô thị hóa cực nhanh. Đó là kinh nghiệm mà TP HCM hoàn toàn có thể tham khảo để siết chặt quy trình quyết định liên quan đến tài sản cây xanh đô thị.
Nên lập hồ sơ cây xanh
Chính quyền thành phố cần giữ vai trò quyết định trong việc lập quy hoạch tổng thể, phân bổ nguồn lực, ban hành chính sách phát triển mảng xanh. Tuy nhiên, chính cấp cơ sở như quận, huyện và sắp tới là phường, xã mới là lực lượng trực tiếp nắm bắt hiện trạng từng tuyến phố, từng khu dân cư. Chính họ là những người đầu tiên phát hiện nguy cơ, xử lý sự cố và tiếp nhận phản ánh của người dân. Do vậy, việc bảo vệ cây xanh cần gắn liền với trách nhiệm cụ thể của từng cấp quản lý.

Cây xanh bị xâm hại trong quá trình thi công vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM. Ảnh: NLĐO
Các địa phương cần chủ động kiểm kê cây xanh, lập hồ sơ quản lý chi tiết cho từng cây, tổ chức giám sát định kỳ bằng thiết bị công nghệ hiện đại như cảm biến, GIS, drone. Mọi quyết định về việc di dời, chặt hạ, thay thế cây xanh đều cần được công khai rộng rãi, lấy ý kiến người dân và chịu sự giám sát chặt chẽ từ cộng đồng.
Nếu muốn phục hồi mảng xanh một cách bền vững, TP HCM cần xây dựng một chiến lược tổng thể gắn với hành động cụ thể. Trước hết, cần ưu tiên mở rộng diện tích công viên, hành lang xanh trong quy hoạch phát triển đô thị mới và cải tạo đô thị cũ. Cần ứng dụng sâu rộng các công nghệ hiện đại trong công tác quản lý cây xanh, giúp theo dõi sức khỏe từng cây theo thời gian thực và dự báo các nguy cơ tiềm ẩn.
Ngoài ra, thành phố cần xây dựng cơ chế phản biện độc lập bắt buộc, với sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học, hội nghề nghiệp trong các quyết định tác động đến cây xanh. Song song với đó, cần khuyến khích đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên cây xanh đô thị chuyên nghiệp nhằm đảm bảo các hoạt động chăm sóc, bảo dưỡng cây đạt chuẩn quốc tế.
Cần lập và công khai đầy đủ hồ sơ cây xanh, minh bạch hóa toàn bộ quá trình từ chăm sóc, bảo dưỡng đến chặt hạ, di dời, nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát, bảo vệ tài sản chung.
Cây xanh không chỉ đơn thuần là "trang sức" của đô thị. Mỗi gốc cây là một thành tố không thể thay thế trong hệ sinh thái, góp phần điều hòa khí hậu, làm sạch không khí, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao khả năng thích ứng trước những thách thức môi trường ngày càng gia tăng. Bảo vệ từng cây xanh hôm nay chính là bảo vệ tương lai, là đầu tư cho một thành phố bền vững, xanh mát và đáng sống hơn cho các thế hệ mai sau.
Bình luận (0)