Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều tuyến phố ở Hà Nội đang bị xới tung để chỉnh trang dịp cuối năm khiến người dân rất bức xúc. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng TP Hà Nội vẫn chưa có giải pháp căn cơ.
Điệp khúc "hành nhau"
Những ngày qua, vỉa hè, lòng đường các tuyến phố như: Tam Trinh, Trần Thái Tông, Duy Tân, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Lê Duẩn… vật liệu xây dựng tập kết ngổn ngang, mặt đường bị xới tung để thi công. Tình trạng này khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giao thông đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Phản ánh về tình trạng thi công đào xới vỉa hè, lòng đường trên nhiều tuyến phố Hà Nội, người dân cho biết từ đầu năm đến tháng 11 gần như các tuyến phố rất ít được chỉnh trang, duy tu. Tuy nhiên, cứ đến cuối năm là tình trạng đào vỉa hè, lòng đường diễn ra tràn lan trên nhiều tuyến phố khắp Hà Nội.
Bà Lương Thị Yến, chủ một hàng ăn trên đường Khuất Duy Tiến, cho biết việc cải tạo, tu bổ vỉa hè là cần thiết nhưng cơ quan chức năng nên làm đến đâu gọn đến đó, nên làm từ sớm chứ không nên để đến cuối năm mới làm. Có trường hợp vỉa hè trên cùng một tuyến đường nhưng có chỗ đang lát đá dở, có nơi thì mới đổ tạm bê-tông. Thậm chí có khu vực vỉa hè chỉ vừa mới đào lên, lổn nhổn cát, đá khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng công việc kinh doanh của nhiều hộ dân nơi đây.
"Tôi và nhiều nhà bán hàng ăn khác phải thường xuyên lau dọn, thay màng bọc thực phẩm nhiều lần trong ngày. Vỉa hè lộn xộn, không có khu vực để xe nên khách nhìn thấy rất ngại, không muốn bước vào quán ăn khiến nhiều cửa hàng giảm thu rõ rệt" - bà Yến nói.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho rằng "điệp khúc" sửa đường, vỉa hè cuối năm đã có nhiều năm nay, dư luận, người dân rất quan tâm và phản ánh nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề giải ngân vốn - khó có thể bố trí ngân sách đầu năm, đến khi có vốn lại phải trải qua nhiều thủ tục, quá trình đấu thầu... Từ đó dẫn đến cứ cuối năm mới có ngân sách để thi công. "Việc đào đường, vỉa hè dịp cuối năm đã tạo thêm những áp lực, gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân. TP Hà Nội phải có hướng xử lý vấn đề này cho hài hòa, hợp lý để chấn chỉnh đồng bộ tình trạng này" - vị đại biểu Quốc hội nêu.
Không để tái diễn
Về tình trạng cứ đến dịp cuối năm (tháng 12) mới đồng loạt sửa đường, đại diện Ban Duy tu thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội cho biết lý do liên quan việc phê duyệt chủ trương, kế hoạch của các đơn vị cấp trên. Đơn vị cũng muốn thực hiện từ sớm nhưng do kế hoạch duy tu, sửa chữa hằng năm, hằng quý gửi lên cấp trên, đến quý III, quý IV mới được duyệt dẫn đến việc duy tu, sửa chữa bị chậm, tấp cập.
Lý giải về điệp khúc cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè, theo một cán bộ UBND quận Thanh Xuân, để phê duyệt chủ trương đầu tư thì trước đó, dự án phải được HĐND thông qua, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn. Tiếp đó, UBND quận lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến của rất nhiều sở, như: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, GTVT, Tài nguyên và Môi trường; sau đó mới trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.
Ngày 27-12, tại cuộc giao ban với các sở - ngành, quận - huyện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết ông rất "sốt ruột" về vấn đề này, bởi tình trạng chỉnh trang vườn hoa, vỉa hè, sửa đường… năm nào người dân và báo chí cũng phản ánh. Năm nào cũng vậy, đầu năm lập kế hoạch, cuối năm mới thực hiện.
Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho rằng quy trình thủ tục về vấn đề này phải được thực hiện sớm, làm sao để khoảng giữa năm là thi công ngay nhằm bảo đảm chất lượng, mỹ quan đô thị, văn minh, lịch sự. "Dừng cấp phép đào vỉa hè, lòng đường và dừng thi công từ ngày 16-1-2024 (tức mùng 6 tháng chạp) đến hết Tết Giáp Thìn 2024" - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh yêu cầu.
Ông Đào Duy Phong, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội, cho biết sở sẽ tập trung kiểm tra, xử lý các nhà thầu công trình giao thông để xảy ra tình trạng vật liệu xây dựng cản trở an toàn giao thông. Từ ngày 16-1-2024, các nhà thầu thi công công trình giao thông phải tạm dừng toàn bộ hoạt động thi công vỉa hè, đào đường để bảo đảm người dân đi lại thuận lợi.
Còn nhiều hạn chế
Theo ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, kết quả kiểm tra của sở tại các dự án cải tạo, chỉnh trang lát vỉa hè trên địa bàn quận Đống Đa và quận Cầu Giấy cho thấy tại một số dự án vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục, hoàn thiện.
Kế hoạch nghiệm thu, kiểm soát chất lượng chưa được chủ đầu tư phê duyệt theo quy định; công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu vật liệu đầu vào tại một số dự án chưa bảo đảm theo quy định như thiếu chứng chỉ xuất xưởng vật liệu lát vỉa hè, một số biên bản nghiệm thu vật liệu chưa thể hiện thông tin số lượng nghiệm thu theo yêu cầu của hợp đồng; tổ chức mặt bằng thi công dàn trải, chưa khoa học, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt của người dân, đặc biệt là công tác phối hợp xử lý thiết kế theo thực tế hiện trạng công trình (thi công tại một số vị trí bó gốc cây, cột điện, tủ điện chưa bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật); phần lớn các tuyến phố được chỉnh trang chưa ghi nhận các hư hỏng lớn, chỉ xuất hiện một vài hư hỏng cục bộ chủ yếu do sử dụng không đúng công năng, mục đích của hồ sơ thiết kế, việc thi công hoàn trả công trình ngầm chưa bảo đảm yêu cầu...
Bình luận (0)