Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) vừa diễn ra, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, vũ khí thô sơ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm nhưng theo quy định của luật hiện hành thì các loại này không thuộc danh mục vũ khí quân dụng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.
Tác động không nhỏ đến trật tự xã hội
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, trong những năm gần đây, loại tội phạm sử dụng dao, súng tự chế diễn ra phổ biến gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình trật tự xã hội và tính mạng, sức khỏe của người dân. Do đó, quy định đưa súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng để có thể áp dụng những biện pháp chế tài phù hợp hơn, giảm thiểu tình trạng sử dụng các loại súng tự chế gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người là hết sức cần thiết.
Đối với đề xuất đưa dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ hiện có nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Bởi lẽ, để xác định được thế nào là "dao có tính sát thương cao" vẫn chưa được định nghĩa cụ thể. Vì vậy, với đề xuất bổ sung quy định đưa dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ sẽ gây khó khăn, bất cập cho công tác thực thi pháp luật, chưa phù hợp.
Luật sư Hùng đánh giá nếu quy định trên được ban hành sẽ có tác động không nhỏ đến tình hình trật tự xã hội. Bởi vì có thêm cơ sở pháp lý để xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật. Ngoài ra, các quy định này có thể giúp hạn chế được hoạt động nhập khẩu, mua bán vũ khí trái phép.
Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (bổ sung, sửa đổi năm 2019) quy định vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của luật này để thi hành công vụ gồm súng cầm tay (súng ngắn, súng trường), bom, mìn…
Luật này cũng quy định loại vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao là vũ khí dân dụng.
Do có tính sát thương đặc biệt nghiêm trọng, pháp luật quy định chỉ nhà nước được quyền quản lý, cấp phép sử dụng. Mọi người dân, tổ chức… vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt trái phép vũ khí quân dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, cần đưa dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ và nếu chứng minh được mục đích sử dụng dao để phạm tội thì xử lý hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí. Còn súng tự chế có thể gây hậu quả nguy hiểm như vũ khí dân dụng bởi một lần bắn có thể gây chết hoặc bị thương nhiều người. Súng tự chế cũng bị nghiêm cấm chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng nên đưa vào danh mục vũ khí quân dụng là hợp lý.
Làm rõ khái niệm
Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nếu dao có tính sát thương cao sử dụng trong hoạt động sản xuất thông thường thì không sao nhưng khi có xung đột cá nhân cũng có thể là hung khí. Chỗ này sẽ khó phân biệt về mặt ranh giới. Tuy nhiên, nếu coi dao là vũ khí thô sơ thì hầu như các gia đình đều phải khai báo với cơ quan chức năng. Còn nếu không khai báo thì sẽ vi phạm về tội tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí. Do đó, cần làm rõ vũ khí thô sơ nào phải thực hiện khai báo.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng dao dùng trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày thì không coi là vũ khí. Vì vậy đề nghị Chính phủ có giải thích và cân nhắc kỹ việc đưa dao có tính sát thương cao vào quản lý trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của người dân.
Đại tướng Tô Lâm cho biết quy định này không ảnh hưởng đến lao động, sản xuất, sinh hoạt bình thường của người dân. Trong dự thảo luật đã có những quy định cụ thể và phân vào 3 loại: Dao dùng vào mục đích lao động, sinh hoạt thì không phải là vũ khí và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Nếu dao không dùng vào mục đích phục vụ cho lao động, sản xuất và trong sinh hoạt thì đó là vũ khí thô sơ. Khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng.
Theo lý giải của Bộ Công an, việc quy định như vậy mới điều chỉnh được hành vi của người sử dụng dao đúng quy định của pháp luật, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người và là căn cứ để xử lý những hành vi vi phạm. Đồng thời, việc quản lý hoạt động sản xuất - kinh doanh dao có tính sát thương cao bảo đảm thuận tiện, thủ tục đơn giản, không phát sinh thủ tục hành chính, cơ sở sản xuất - kinh doanh chỉ cần khai báo số lượng, chủng loại dao với công an cấp xã và không đưa vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.
Belarus quy định dao là vũ khí lạnh; Đài Loan (Trung Quốc), Anh và Úc quy định dao, kiếm là vũ khí, cấm mang, sử dụng dao tại nơi công cộng, trường học...
Bán tràn lan trên mạng
Theo khảo sát của phóng viên ở một số nền tảng mạng xã hội, "chợ mạng" súng săn, súng thể thao... rất sôi động và không khó đặt mua. Nhiều tài khoản còn chào giá cạnh tranh, thậm chí công khai số điện thoại.
Tài khoản Facebook "Súng bắn đạn bi sắt" đang bán một khẩu súng với giá 500.000 đồng kèm lời quảng cáo: "Chất liệu kim loại bền bỉ. Uy tín, chất lượng. Độ chuẩn xác cao". Liên hệ với chủ tài khoản để đặt mua súng, người này cho biết sẽ tặng kèm đạn và miễn phí giao hàng. "Tầm xa trên 70 m, độ chính xác trên 50 m sát thương cao rất phù hợp để bắn gà, vịt, chim, chuột hoặc bắn thể thao vui chơi. Thời gian giao hàng khoảng 3 - 5 ngày, anh mua hàng thì để lại số điện thoại và địa chỉ" - chủ tài khoản tư vấn.
Mới đây, Công an TP HCM triệt phá một kho súng, vũ khí, công cụ hỗ trợ... chuyên bán trên mạng xã hội, thu giữ 230 khẩu súng, 4.750 viên đạn do Đoàn Quốc Thái (32 tuổi, ngụ quận 8) cầm đầu, cùng Trần Bá Lộc (27 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện.
A.Vũ
Bình luận (0)