Sau khi giám sát một số địa phương, ban quản lý dự án, sở, ngành..., Thường trực HĐND TP HCM vừa giám sát công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn đối với UBND thành phố.
Mừng lo đan xen
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn từng bước được cải thiện, có chuyển biến tích cực.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Thành ủy TP HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, tổng số công trình vi phạm bị phát hiện là 3.085; bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày - tương ứng 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước đó.
Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, số công trình bị xử phạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng trên địa bàn TP HCM là 1.418, tổng số tiền xử phạt khoảng 34,6 tỉ đồng, đã thu trên 25 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 73,3%. Với công trình bị xử lý theo pháp luật đất đai, số trường hợp bị xử phạt là 1.256; trong đó 1.041 trường hợp chấp hành, tỉ lệ 83%.
Bên cạnh kết quả trên, tại buổi giám sát, UBND TP HCM nêu một số hạn chế trong quản lý trật tự xây dựng. Trong đó, đáng chú ý là vi phạm xây dựng không phép có dấu hiệu tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nhìn nhận hạn chế nêu trên có những nguyên nhân khách quan từ quy định pháp luật cũng như vướng mắc quy hoạch trong quản lý trật tự xây dựng. Về giải pháp, TP HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện quy định trên cơ sở vận dụng Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Ông Bùi Xuân Cường khẳng định những quy định sẽ thông thoáng, rõ ràng hơn, giúp người dân tiếp cận, tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt là liên quan việc cấp phép xây dựng. TP HCM sẽ rà soát lại quy định về cưỡng chế, sự cố công trình. Những hồ sơ, công trình tồn đọng cũng sẽ được tập trung giải quyết.
Thay những văn bản không còn phù hợp
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND thành phố tập trung rà soát, chỉ đạo tháo gỡ cũng như kiến nghị bộ, ngành, Chính phủ nhiều nội dung. Cụ thể là công tác quy hoạch đất đai; quản lý cấp phép xây dựng; quản lý, phối hợp kiểm tra trật tự xây dựng, tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính...
Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định liên quan đã có hiệu lực. UBND TP HCM nên khẩn trương ban hành quy định cụ thể về điều kiện, diện tích tối thiểu được tách thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn, thay thế Quyết định 60/2017.
Chủ tịch HĐND TP HCM cho rằng khó khăn trong chuyển mục đích sử dụng đất khiến người dân bức xúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Tại hội nghị phổ biến các nghị định thi hành Luật Đất đai ở TP HCM hôm 12-10, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục đăng ký dữ liệu và thông tin đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã lưu ý thành phố xây dựng, ban hành quyết định thay thế Quyết định 60/2017, vì thực tế cho thấy quyết định này khi triển khai gặp vướng mắc.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, ngoài phân lô, tách thửa kinh doanh thì nhu cầu chuyển đất nông nghiệp sang đất ở của người dân là có thật. Vì thế, văn bản thay thế Quyết định 60/2017 cần ban hành sớm để người dân có điều kiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất.
"UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch khu chế xuất - khu công nghiệp… bảo đảm đồng bộ, thống nhất; kịp thời khắc phục các tồn đọng, hạn chế nhằm giải quyết nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa, cấp phép xây dựng" - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh. Theo Chủ tịch HĐND TP HCM, cần thiết phải có giải pháp, chế tài đối với dự án chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Về việc xử lý hồ sơ, công trình vi phạm tồn đọng kéo dài, Chủ tịch HĐND TP HCM thông tin trên cơ sở Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở 2023 và một số luật khác đã có hiệu lực thi hành, Trung ương đã vào thành phố phổ biến, triển khai quy định pháp luật. Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP HCM thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho địa phương, người dân. Phải tạo chuyển biến trong giải quyết và khắc phục những sai phạm, hạn chế bằng thể chế, chính sách…
Ngoài ra, UBND TP HCM nên sớm ban hành quyết định thay thế Quyết định 56/2021 về quy chế quản lý kiến trúc để tháo gỡ vướng mắc về xây dựng tại các khu vực quy hoạch đất dân cư xây dựng mới và đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở.
Tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn về khoảng lùi xây dựng nhà ở, mái che thang, cách xác định mật độ xây dựng; thành lập tổ công tác để khảo sát, nghiên cứu giải pháp bảo tồn biệt thự cũ... là những vấn đề quan trọng khác mà Chủ tịch HĐND TP HCM lưu ý.
Nhiều bài toán chờ đáp số
Trước đó, kết quả giám sát tại các đơn vị cho thấy số vụ vi phạm trật tự xây dựng, đất đai dù giảm nhưng việc khắc phục hậu quả, giải quyết dứt điểm vi phạm - trong đó có những công trình trước thời điểm Thành ủy TP HCM ban hành Chỉ thị 23/2019 - còn khó khăn.
Ngoài ra, kết quả thu hồi kinh phí tạm ứng khi cưỡng chế các công trình vi phạm còn rất hạn chế, số tiền thu về ít so với số tạm ứng. Công tác bảo tồn biệt thự cũ cũng còn không ít bất cập...
Bình luận (0)