Thời còn “xe đạp ơi” đi học, tôi có người bạn-là-con-trai “điểm 10”. Vừa học giỏi vừa biết làm việc nhà, bạn được thừa hưởng niềm đam mê nấu nướng của mẹ - là chủ một doanh nghiệp nấu tiệc - nên nấu ăn rất ngon. Chơi với nhau từ cấp 1, lên cấp 2, cấp 3, vào đại học, và sau này khi đã ra trường, đi làm, “điểm 10” còn gây ấn tượng với chúng tôi bởi thói quen “ghét rửa chén” của bạn.
Từ trường hợp của “điểm 10”, tôi nghĩ việc “phân vai” trong mối quan hệ nam và nữ - từ khi còn là tình nhân đến khi bước vào đời sống hôn nhân - không nằm ở việc chia việc hay kỳ vọng đối phương phải/nên làm được cái này, cái kia… Có khi nào bạn nghĩ điều quan trọng hơn cả là cùng chia sẻ, cùng trao đổi và cùng thống nhất vai trò của từng người trong mối quan hệ chung, trong cuộc sống chung?
Thay vì đặt để hạnh phúc trong tay đàn ông, phụ nữ cần biết yêu bản thân mình trước.
Ảnh minh họa: freehdw.com
Với tôi, mọi so sánh đều là khập khiễng, huống chi là so sánh người yêu, người bạn đời của mình với người yêu, người bạn đời của “nhà khác”. Đem “trời Ta” với “trời Tây” lên bàn cân còn có vẻ xa xôi hơn! Khi các bạn gái, các bà vợ đặt “trai Ta” và “trai Tây” cạnh nhau để đong đếm, liệu các chị nghĩ phái mạnh cũng soi “vợ Ta” với “vợ Tây”?
Nói đùa một chút, lẽ nào chị em cho phép mình nhõng nhẽo, trễ giờ với bạn trai trong khi lại nhăn nhó, càm ràm khi anh lỡ đến trễ? Nếu đúng giờ là nguyên tắc cần được tôn trọng thì nó phải được cả hai phái tôn trọng. Bạn mong mỏi người khác thế này thế nọ thì đừng quên họ cũng đặt kỳ vọng nơi bạn!
Ai nói là trai Tây đều nâng niu phụ nữ? Tôi có chị bạn yêu đắm say một chàng trai Tây, yêu hết cả đường đi lối về của anh, chỉ trừ một chuyện: Tính anh nóng nảy, cộc cằn, khi tức giận sẽ dễ dàng mất bình tĩnh, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với chị đến bầm tím mặt mày. Vậy mà họ đã gắn bó với nhau gần chục năm trời, anh và chị vẫn tay trong tay rong ruổi đó đây, vẫn nấu cho nhau những bữa ăn ngon, ấm áp…
Lại một chị bạn khác cũng đang học theo cách sống của “gái Tây” – yêu đời, yêu mình, và chủ động trong cuộc sống. Quan niệm sống của chị đại ý là yêu con, yêu chồng, hết lòng với gia đình nhưng cũng không quên hết lòng với chính mình. Chị có công việc làm ổn định. Chị học nấu ăn, học làm bánh, một phần để có những bữa ăn ngon, ấm cho gia đình, một phần để… tự thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực của bản thân.
Nhiều tối anh về trễ, chị không khắc khoải chờ mong rồi tự căn vặn, suy diễn xem anh đang đi đâu, với ai, làm gì… Thay vào đó, chị nấu cho mình bữa ăn ngon, tắm thơm, chăm sóc bản thân vì chị muốn bản thân chị yêu cơ thể chị, yêu mùi hương của chị. Và rồi những ngày anh về trễ thưa dần cho đến khi hết hẳn.
Mọi mối quan hệ là sự lựa chọn của đôi bên, đến với nhau bằng tất cả tình yêu, sự tôn trọng, chân tình nhưng cũng thẳng thắn để tạo dựng sự bền vững, hạnh phúc. Với tôi, điều đó còn quan trọng gấp nhiều lần việc so sánh “Ta” hay “Tây” vì dù là ai đi nữa, cũng có điểm này, điểm kia để phát huy và để điều chỉnh.
Bình luận (0)