Hoạt động chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn với nhiều vấn đề trúng và đúng, góp phần giám sát hoạt động chính quyền, bảo đảm quyền lợi của cử tri và thúc đẩy sự phát triển TP HCM.
Ngày 10-12, ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục diễn ra với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Kỳ họp lần này tiến hành chất vấn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi; Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Thuận; Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng.
Dự án "treo" vào nghị trường
Đăng đàn trả lời chất vấn đầu tiên là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Thuận.
Đại biểu (ĐB) Tăng Hữu Phong phản ánh nhiều cử tri bức xúc dự án Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Rạch Chiếc và Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng kéo dài nhiều năm. Người dân không được thụ hưởng các hoạt động liên quan trong lĩnh vực văn hóa, thể thao. Nhiều giải đấu lớn của khu vực và châu Á không thể tổ chức được trên địa bàn thành phố.
Trả lời ĐB, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Thuận cho biết thời gian qua dự án gặp khó khăn bởi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; đồng thời gián đoạn do điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch cũng như những quy định pháp luật chưa phù hợp. Thành phố đang xúc tiến các thủ tục tiếp theo để quy hoạch, đầu tư dự án. Ông cũng thông tin sau khi tái khởi động hình thức PPP, thành phố đã mời gọi đầu tư 21 dự án trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, trong đó có 16 dự án thuộc khu Rạch Chiếc.
Về dự án Nhà Thi đấu Phan Đình Phùng, ông Thuận nêu đây là một trong những dự án theo hình thức PPP và "có yếu tố lịch sử để lại". Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho áp dụng thực hiện thí điểm theo hình thức hợp đồng chuyển giao BT. Vừa qua, thành phố đã chỉ đạo rà soát dự án này và xác định có những vướng mắc liên quan nhà đầu tư và pháp luật. Vì vậy, Chủ tịch UBND TP HCM đã chỉ đạo dừng hình thức PPP và chuyển thành đầu tư công. Hiện nay, tổ công tác tập trung rà soát và cùng nhà đầu tư đề xuất phương thức đầu tư hợp lý nhất; dự kiến công bố dự án vào dịp kỷ niệm 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chất vấn Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng, ĐB đặt vấn đề về công tác quản lý nhà nước đối với trật tự xây dựng trên địa bàn. ĐB Châu Trương Hoàng Thảo hỏi: "Quận có giải pháp gì để xử lý dứt điểm tình trạng xây dựng không phép, sai phép?".
Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết thời gian qua, quận đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện nghiêm các quy định về xây dựng; đẩy mạnh triển khai Chỉ thị 23/2019 của Thành ủy TP HCM. Sau 5 năm thực hiện, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn là 34, bình quân 0,019 vụ/ngày. Từ đầu năm đến nay, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn quận là 7 trường hợp. Thời gian tới, quận tiếp tục kiểm tra chặt chẽ, xuyên suốt từ lúc khởi công đến khi công trình xây dựng hoàn thành và sau khi đưa vào sử dụng; thực hiện tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự xây dựng qua phần mềm, ứng dụng trực tuyến của UBND quận.
Thúc đẩy dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Đăng đàn trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhận được nhiều câu hỏi của ĐB về kinh tế - xã hội, các dự án, công trình trọng điểm. Trong vòng hơn 1 giờ, đã có 11 ĐB chất vấn người đứng đầu chính quyền TP HCM.
Quan tâm đến dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, ĐB Nguyễn Minh Nhựt cho biết được khởi công từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. "Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này và khi nào hoàn thành?" - ĐB Nhựt chất vấn.
Trả lời ĐB, Chủ tịch UBND TP HCM thông tin: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu thành phố cùng các bên tập trung giải quyết các vấn đề vướng mắc để tháng 12-2025 hoàn thành dự án. Vừa qua, TP HCM đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp gỡ vướng cho dự án này.
Theo Chủ tịch UBND TP HCM, trong năm 2024, thành phố đã bố trí 6.800 tỉ đồng vốn đầu tư cho dự án nhưng chưa thanh toán được. Thành phố đã kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án dùng 3 vị trí đất để thanh toán cho nhà đầu tư, ủy quyền cho TP HCM định giá và thực hiện thanh toán. Đến nay, dự án đã hoàn thành 90% tổng khối lượng và hoàn tất kiểm toán 3.000 tỉ đồng. Thành phố đề xuất thanh toán trước phần tiền này để nhà đầu tư hoàn thành phần còn lại của dự án, khoản chênh lệch vốn sẽ dùng trả nợ ngân hàng để giảm lãi.
Chủ tịch UBND TP HCM cho hay địa phương sẽ nghiên cứu các phương án để giải quyết vướng mắc đối với dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng trong tháng này. Nếu các vướng mắc được tháo gỡ, nhà đầu tư cam kết hoàn thành dự án trong vòng 12 tháng. Nếu trong tháng 12 năm nay các vướng mắc được giải quyết, dự án sẽ khởi động vào đầu năm sau và có thể hoàn tất vào cuối năm sau.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi, xây dựng và đã thành công, có 23 lượt ĐB tham gia với 41 câu hỏi. Theo Chủ tịch HĐND TP HCM, các vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn đúng và trúng, phù hợp với thực tiễn, được cử tri quan tâm. "HĐND TP HCM hoan nghênh sự nghiêm túc, trách nhiệm cao của Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp trong trả lời chất vấn" - bà Nguyễn Thị Lệ nói. HĐND đề nghị UBND thành phố, các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa, tạo chuyển biến tích cực đối với những vấn đề được chất vấn. HĐND TP HCM sẽ giám sát việc thực hiện những nội dung được đưa ra chất vấn để đáp ứng yêu cầu của cử tri và sự phát triển ổn định của thành phố.
Trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp cũng thông qua Nghị quyết công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2025. Hôm nay (11-12), kỳ họp bước vào ngày làm việc thứ 3 với nội dung thảo luận và thông qua các tờ trình của UBND TP HCM và bế mạc.
Lập phương án xử lý 1.000 nhà, đất công...
Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang tiến hành phân loại và xử lý. Một số tài sản sẽ được đấu giá để thu ngân sách; một số sẽ có đề án để cho thuê tạm thời trong thời gian chờ đầu tư mới. Song song đó, khi TP HCM nghiên cứu sắp xếp lại các sở, ngành sẽ sắp xếp, tính toán việc sử dụng các trụ sở công nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài sản công. Việc này không chỉ giúp sử dụng các trụ sở hiệu quả hơn mà còn tạo thêm nguồn lực để phục vụ sự phát triển của thành phố.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Hoàng Hải, từ ngày 1-1-2025 sẽ tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản công, hoàn thành vào tháng 3-2025, kết quả dự kiến công bố tháng 7-2025. Phạm vi tổng kiểm kê bao gồm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý trong 12 lĩnh vực.
TP HCM sẽ hoàn thành 355 km metro trong 10 năm
Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm thay mặt UBND TP HCM trình bày Đề án Phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP HCM theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải và qua trao đổi thống nhất với cơ quan chủ trì xây dựng Đề án Đường sắt đô thị của TP Hà Nội, UBND TP HCM thay đổi quy mô đầu tư đường sắt đô thị. Cụ thể, đến năm 2035, TP HCM sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài khoảng 355 km với tổng mức đầu tư khoảng 40,2 tỉ USD. Đến năm 2045, xây dựng hoàn thành thêm 155 km, nâng tổng chiều dài đường sắt đô thị lên khoảng 510 km.
Bình luận (0)