Hiện ví điện tử chiếm 50% giao dịch mua hàng thương mại điện tử và chiếm 30% giao dịch mua hàng tại cửa hàng trên thế giới trong năm 2023. Giá trị tổng giao dịch là 14.000 tỉ USD và con số này dự kiến tăng lên 25.000 tỉ USD vào năm 2027.
Ông Phil Pomford, chuyên gia của Worldpay, nhận định ngoài yếu tố tiện lợi, công nghệ sinh trắc học trong ví điện tử cho phép thanh toán chỉ bằng khuôn mặt hoặc vân tay, từ đó mang lại cảm giác an toàn và bảo mật hơn.
Theo báo cáo, người tiêu dùng ở châu Á - Thái Bình Dương sử dụng ví điện tử nhiều nhất, chiếm 70% giao dịch trực tuyến và 50% giao dịch tại cửa hàng tại đây vào năm ngoái, với tổng chi tiêu là gần 10.000 tỉ USD.
Trung Quốc là quốc gia đi đầu thế giới về sử dụng ví điện tử với 82% chi tiêu thương mại điện tử và 66% giao dịch mua hàng tại cửa hàng, tổng giá trị giao dịch khoảng 7.600 tỉ USD. Còn tại Ấn Độ, ví điện tử tiếp tục là lựa chọn thanh toán chính, dự kiến chiếm hơn 70% tổng doanh số bán hàng vào năm 2027.
Báo cáo cũng ghi nhận thẻ tín dụng vẫn chiếm ưu thế tại các nền kinh tế phát triển, như Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, các nền kinh tế đang phát triển lại ưa chuộng ví điện tử hơn.
Còn tại châu Âu, theo báo cáo, chi tiêu bằng ví điện tử chỉ chiếm 30% giao dịch thương mại điện tử và 13% thanh toán tại cửa hàng. Hai tỉ lệ này tại Mỹ lần lượt là 37% và 42%. Báo cáo của Worldpay dựa trên khảo sát tại 40 thị trường ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ.
Bình luận (0)