Trước đó một ngày, di tích Acropolis đã chật kín du khách xếp hàng từ sáng sớm để kịp tham quan trước khi lệnh đóng cửa được thực thi từ 12 giờ. Hội Chữ thập đỏ địa phương đã phát nước đóng chai ướp lạnh và tờ rơi thông tin cho người xếp hàng.
Giống như nhiều quốc gia khác ở châu Âu, Hy Lạp thường xuyên chứng kiến nhiệt độ cao làm gián đoạn các hoạt động thường ngày kể từ tháng 6. Ngoài ra, hàng trăm vụ cháy rừng đã bùng phát theo sau mùa đông ấm nhất từng được ghi nhận. Để đối phó, chính phủ Hy Lạp đã yêu cầu một số doanh nghiệp không cho nhân viên làm việc nặng ngoài trời từ giữa trưa cho đến 17 giờ trong tuần này khi nhiều khu vực được dự báo có nhiệt độ lên tới 42 độ C.
Tây Ban Nha cũng đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng đầu tiên của mùa hè. Theo Cơ quan Khí tượng quốc gia Tây Ban Nha (AEMET), nhiệt độ lên tới 40 độ C ở hầu hết khu vực của đất nước hôm 19-7. Một số nơi dọc bờ biển Địa Trung Hải có thể đạt 44 độ C trong ngày 20-7. Vì vậy, AEMET đã ban hành cảnh báo màu cam ở một số vùng trên cả nước, cấm làm việc ngoài trời vào buổi chiều.
Trong khi đó, Cơ quan Lâm nghiệp Nga hôm 18-7 cho biết đang nỗ lực dập tắt 222 đám cháy rừng tại 20 khu vực khi mùa hè nóng bất thường làm gia tăng cháy rừng. Theo tổ chức môi trường Earth Touches Everyone, 8,8 triệu ha rừng của Nga đã bị thiêu rụi từ đầu năm đến giờ. Theo Reuters, tổ chức này cũng dự đoán năm 2024 nguy cơ cháy rừng còn nghiêm trọng hơn so với các năm 2022 và 2023.
Còn tại Anh, một báo cáo của nhóm vận động Friends of the Earth cho thấy ít nhất 4,7 triệu người trên 65 tuổi và 1,7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đối mặt nguy cơ từ nắng nóng cực đoan do thiếu các biện pháp bảo vệ khí hậu. Theo trang The Guardian hôm 19-7, thông tin này được dựa trên nghiên cứu của ĐH Manchester (Anh), xác định 15.662 khu dân cư dễ bị tổn thương bởi nắng nóng. Theo định nghĩa, đây là những khu vực tiếp xúc với thời tiết nóng kéo dài, với nhiệt độ trung bình từ 27,5°C trở lên trong 5 ngày trở lên.
Bình luận (0)