Ngay sau cuộc họp về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023 do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì vào ngày cuối tháng 11, Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố triển khai gói tín dụng 10.000 tỉ đồng cho khách hàng doanh nghiệp (DN) với lãi suất cho vay chỉ từ 3%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn dài của các NH thương mại (hiện khoảng 5%-6%/năm).
Đua nhau kích cầu tín dụng
Tương tự, từ nay đến cuối tháng 5-2024, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng với lãi suất từ 6,97%/năm cho khách hàng DN bổ sung vốn lưu động ngắn hạn.
"Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc liên tục giảm lãi suất nhằm giúp khách hàng kịp thời tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để thúc đẩy DN vượt qua khó khăn và phát triển" - đại diện SHB nói.
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều NH thương mại khác cũng đẩy mạnh các gói tín dụng cho vay đối với cả khách hàng cá nhân, các nhu cầu vốn mua bất động sản, mua ô tô… để kích cầu tín dụng cuối năm.
Ông Nguyễn Văn Bách, Trưởng Ban Chính sách tín dụng Agribank, cho biết từ đầu năm đến nay, Agribank liên tục triển khai 8 chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất hướng tới DN hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực ưu tiên và tiêu dùng cá nhân với quy mô gần 200.000 tỉ đồng, mức lãi suất thấp hơn từ 2-3 điểm % so với lãi suất cho vay thông thường.
"Đối với DN, Agribank triển khai 5 chương trình quy mô 165.000 tỉ đồng, riêng DN vừa và nhỏ được áp dụng tại 4 chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 145.000 tỉ đồng, mức lãi suất được hỗ trợ tối đa 2%/năm" - ông Bách nói.
Thông điệp tích cực
Lãnh đạo NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay trong bối cảnh nhu cầu vay quá ít, các NH phải cạnh tranh khá gay gắt với nhau về lãi suất. Một số NH đã giảm lãi suất cho vay về mức rất thấp, thậm chí thấp hơn cả lãi suất huy động vốn; linh hoạt kỳ hạn vay nhằm kích thích khách hàng tiềm năng tiếp cận vốn tại NH mình.
Một số NH đã xoay xở, chuyển hướng đối tượng, phân khúc khách hàng cho mục tiêu tối ưu hiệu quả dòng vốn. Tổng Giám đốc NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ông Jens Lottner, cho hay NH đang tập trung mở rộng danh mục khách hàng DN. Nhưng chiến lược lớn hơn là chuyển dịch danh mục tín dụng từ khách hàng DN lớn sang khách hàng cá nhân, DN vừa và nhỏ (SME).
"Techcombank đặc biệt chú trọng vào tài trợ các DN SME phục vụ tiêu dùng nội địa như nông sản, thay vì DN hoạt động trong các lĩnh vực thiên về xuất nhập khẩu như sản xuất. Hướng đi của NH hơi khác so với kỳ vọng thông thường khi tập trung vào các lĩnh vực gắn liền hoặc được thúc đẩy bởi tăng trưởng tiêu dùng nội địa" - ông Jens Lottner nói.
Bản thân NH Nhà nước cũng vào cuộc chia lại "miếng bánh" tín dụng trong hệ thống nhằm góp phần đẩy vốn ra thị trường dịp cuối năm. Theo đó, NH thương mại nào không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ chuyển sang những NH khác đang cần để tăng cường cho vay.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trường Đại học Tài chính - Marketing, nhận định động thái trên của NH Nhà nước đã phát đi thông điệp tích cực nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cho toàn hệ thống khi nhu cầu vay vốn thường tăng vào dịp cuối năm.
Tuy nhiên, thời điểm này lãi suất cho vay thấp không phải là yếu tố then chốt để tín dụng tăng trưởng mạnh. Bởi tín dụng tăng trưởng phụ thuộc vào nhu cầu vay vốn của khách hàng và thị trường.
Trong khi đó, chia sẻ tại một hội thảo cuối tuần qua, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng các NH thương mại không quá thừa tiền như vài tháng trước và trong bối cảnh DN còn khó khăn, mức tăng trưởng tín dụng 8% đến hiện tại và dự kiến cả năm nay khoảng 10%-11% là phù hợp, không phải con số quá lo.
"Đây là diễn biến chung của các nước trên thế giới khi nhiều NH thương mại trên toàn cầu cũng thận trọng khi cho vay, không hạ chuẩn, thậm chí tăng điều kiện cho vay để bảo đảm an toàn hệ thống.
Bản thân DN cũng cần cơ cấu lại hoạt động, kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỉ giá… Chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, cũng như đa dạng hóa nguồn vốn chứ không chỉ là vốn tín dụng" - TS Cấn Văn Lực nói.
Tín hiệu tích cực cho kinh tế
Nhìn về triển vọng năm 2024, TS Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm, thị trường chứng khoán nước này tăng trưởng tốt là tín hiệu phản ánh tích cực cho kinh tế.
Do đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam có thể chuẩn bị để đón đơn hàng tăng trở lại từ thị trường Mỹ ở các thị trường xuất khẩu truyền thống, bên cạnh làn sóng đầu tư ở lĩnh vực mới như chip bán dẫn…
Bình luận (0)