xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chạy đua phát triển xanh, đầu tư xanh

NHÓM PHÓNG VIÊN

Các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đang gấp rút chạy đua với mục tiêu phát triển xanh, đầu tư xanh, tăng trưởng bền vững

Mới đây, tỉnh Đồng Nai đã ban hành Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Đề án giảm khí thải carbon) và tổ chức hội nghị chuyên đề xu hướng Net Zero của thế giới và định hướng phát triển xanh, bền vững của tỉnh.

Giảm khí thải carbon

Hiện ở tỉnh Đồng Nai có nhiều tập đoàn đi đầu trong sản xuất xanh, tuần hoàn như: Bosch, Schaeffler, Fleming, UPM, Nok, Ajinomoto, C.P, SMC, Bitis, Lixil Hyosung…

Ông Hoàng Văn Quốc Chương, Phó Giám đốc Công ty Ajinomoto Việt Nam, cho hay mục tiêu của doanh nghiệp (DN) là không rác thải nhựa vào năm 2030, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. DN thực hiện các hoạt động giảm thiểu carbon như bảo tồn tài nguyên nước, giảm rác thải nhựa, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, DN đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng và giảm khoảng 70% lượng khai thác nước sông; sử dụng lò hơi sinh học và 100% nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp giúp giảm 48% lượng khí thải CO2; đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà giúp cung cấp khoảng 28% tổng điện tiêu thụ và giảm phát thải 1.460 tấn CO2/năm.

Chạy đua phát triển xanh, đầu tư xanh- Ảnh 1.

Công ty Ajinomoto Việt Nam đặt mục tiêu không rác thải nhựa vào năm 2030. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

"Những nỗ lực đó đã giúp Ajinomoto Việt Nam từ chỗ chỉ có một nhà máy với sản phẩm duy nhất là bột ngọt, nay có 2 nhà máy, 3 trung tâm phân phối, 66 kho bán hàng khắp cả nước và phát triển 35 loại sản phẩm. 10 năm qua, DN đóng góp hơn 6.000 tỉ đồng tiền thuế và đang tạo việc làm cho hơn 2.300 lao động" - ông Chương nói.

Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết Đề án giảm khí thải carbon đặt ra 4 lộ trình cụ thể. Trong đó, giai đoạn 2025-2030 giảm 20%, giai đoạn 2030-2035 giảm 45%, giai đoạn 2035-2045 trung hòa carbon và giai đoạn 2045-2050 phát thải nhà kính bằng 0.

Có 7 ngành nghề, lĩnh vực, khu vực ưu tiên gồm: Năng lượng, giao thông, công nghiệp, môi trường, nông nghiệp, xây dựng và khu đô thị. Có 3 hợp phần phải thực hiện là nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát thải khí nhà kính; xác định mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện đề án.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai Đề án giảm thiểu khí carbon trên địa bàn tỉnh. Tỉnh kêu gọi người dân, cộng đồng DN trong và ngoài nước cùng đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, gần 10 năm trước, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định mục tiêu phát triển theo hướng bền vững. Định hướng này tiếp tục được đưa vào, cụ thể hơn trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và mới đây là Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định tỉnh sẽ tiên phong thực hiện giảm khí thải carbon. Đồng Nai là một trong số ít địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng và ban hành Đề án giảm khí thải carbon. Những chia sẻ từ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về tầm nhìn, kinh nghiệm, dự án hỗ trợ để phát triển kinh tế xanh, bền vững là bài học giúp các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh giải pháp tổng thể triển khai hiệu quả đề án và đạt mục tiêu Net Zero.

"Tỉnh sẽ định kỳ tổ chức đánh giá tiến độ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và bổ sung các giải pháp để đạt mục tiêu đã đề ra" - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Thu hút các dự án đầu tư xanh

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực thu hút các dự án đầu tư xanh, theo hướng phát triển công nghiệp bền vững. Theo đó, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; hạn chế thu hút những dự án công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Chạy đua phát triển xanh, đầu tư xanh- Ảnh 2.

Khu Công nghiệp VSIP III được khởi công đầu năm 2022, sau khi hoàn thành sẽ là một khu công nghiệp thông minh, xanh, sạch của tỉnh Bình Dương. Ảnh: NGUYÊN THẢO

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2050, tỉnh có môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0.

Nhằm thu hút đầu tư xanh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư vào việc xây dựng và cải thiện hạ tầng giao thông, điện, nước và các khu công nghiệp xanh để thu hút những nhà đầu tư. Ngoài ra, địa phương cũng tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và không quá phức tạp để thu hút đầu tư xanh.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết quy hoạch tỉnh được xây dựng trên cơ sở tính toán trong tổng thể chung của Vùng Đông Nam Bộ dựa theo lợi thế, tiềm năng của từng địa phương và của tỉnh. Với nền tảng đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định sẽ phát triển dựa trên sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, khu vực, phát huy tối đa những điều kiện thiên nhiên ban tặng, một số lợi thế của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Thọ khẳng định tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ dựa trên lợi thế tự nhiên mà còn mạnh dạn đột phá tạo ra sự khác biệt trong chiến lược phát triển, tỉnh đã hình thành 2 ngành công nghiệp mới đó là hóa chất và chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo - điện gió. Đây sẽ là 2 ngành công nghiệp đầy hứa hẹn khi sử dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến vào quá trình sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo định hướng phát triển trong tương lai, tỉnh Bình Dương sẽ chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, Bình Dương đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề hành động.

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, cho biết để thực hiện kế hoạch trên, tỉnh tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các cơ quan, công sở, trường học, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư, DN. Đồng thời, rà soát các quy định của tỉnh nhằm sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và lồng ghép những nội dung về tăng trưởng xanh vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tỉnh tập trung triển khai thực hiện Đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. 

Cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế

Tại hội nghị triển khai quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tiên phong dẫn dắt xu thế chuyển đổi xanh của cả nước. Với tiềm năng điện gió, điện mặt trời và điện nền từ khí, tỉnh sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, hydrogen, amoniac xanh gắn với ngành công nghiệp năng lượng của cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, thành công từ dự án của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) sẽ thúc đẩy tiến trình này và tin rằng năng lượng xanh sẽ là động lực mạnh mẽ mới để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Tỉnh cần có lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng lối sống xanh. Cần đi đầu trong chuyển đổi, xây dựng, phát triển hệ thống cảng xanh, thông minh, hiện đại, đóng góp chung vào nỗ lực giảm phát thải của cả nước, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

N.Giang

Công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm 2024, Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các dự án thu hút mới và tăng vốn đa số có công nghệ hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh của tỉnh.

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút vốn FDI hơn 33 tỉ USD và vốn đầu tư trong nước đạt 400.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng quý I/2024 đã thu hút hơn 1,5 tỉ USD vốn FDI và hơn 25.000 tỉ đồng trong nước. Các dự án đầu tư đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ và một số tập đoàn hàng đầu của Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện môi trường.

N.Tuấn - N.Giang


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo