Marathon là một bộ môn thể thao đầy thử thách, thu hút đông đảo người tham gia nhờ vào sức hấp dẫn của việc chinh phục những cự ly dài. Dù là người mới bắt đầu hay vận động viên chuyên nghiệp, mỗi cuộc đua đều mang lại những trải nghiệm đặc biệt và cơ hội vượt qua giới hạn bản thân. Tuy nhiên, tham gia marathon cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe cần được chú ý.

Nắng nóng dễ gây sốc nhiệt nên khi chạy cần biết lắng nghe những dấu hiệu bất thường của cơ thể
ThS-BS Nguyễn Tiến Lộc, Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cho biết một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất đối với những người tham gia các giải chạy marathon là các bệnh lý tim mạch.
Trên 50 tuổi là thời điểm mà các vấn đề về tim mạch có thể phát triển mà không có dấu hiệu rõ ràng. Những người tham gia chạy marathon ở độ tuổi này thường không nhận ra rằng cơ thể mình có thể không đủ khỏe để chịu đựng cường độ cao của một cuộc đua dài. Các bệnh lý như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim có thể không được phát hiện kịp thời nhưng lại có thể trở thành nguy cơ tiềm ẩn trong suốt quá trình vận động.
"Khi tham gia một cuộc đua marathon, hệ tim mạch phải làm việc liên tục với cường độ cao khiến tim phải bơm máu đến các cơ bắp trong suốt chặng đường dài. Nếu không được huấn luyện đúng cách hoặc không biết cách kiểm soát nhịp tim, người tham gia có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt là với những người chưa được kiểm tra sức khỏe hoặc không có lịch sử tập luyện thể thao thường xuyên, việc tham gia một cuộc đua marathon có thể đẩy cơ thể vào tình trạng quá sức, dễ dẫn đến các vấn đề tim mạch nghiêm trọng" - BS Lộc khuyến cáo.
Một trong những yếu tố quan trọng khi tham gia các giải chạy marathon là người tham gia phải hiểu rõ thể trạng của mình. Trước khi tham gia các giải chạy marathon, đặc biệt là với người trên 50 tuổi, việc kiểm tra sức khỏe tổng quát là rất cần thiết.
Người tham gia cần kiểm tra sức khỏe tim mạch, hệ hô hấp và các vấn đề liên quan đến xương khớp. Các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc các vấn đề về điện giải có thể không dễ dàng phát hiện nhưng lại là yếu tố nguy cơ nghiêm trọng đối với người tham gia các giải chạy marathon.
Việc kiểm tra sức khỏe sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, từ đó có những điều chỉnh kịp thời trước khi tham gia các giải chạy. Bên cạnh đó, người tham gia cũng cần phải nắm vững thông tin về cơ thể mình, tiền sử bệnh lý, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải dừng lại và thăm khám bác sĩ ngay lập tức.
Đối với người mới bắt đầu chạy marathon nên luyện tập dần dần, tăng cường sức bền qua thời gian và không nên vội vàng tham gia vào các giải chạy với cự ly quá dài ngay từ đầu. Luyện tập nên được chia thành các bài tập ngắn và tăng dần độ dài, giúp cơ thể có thời gian thích nghi.
Đặc biệt, quá trình tham gia giải chạy, cần phải biết nhận diện các dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp vấn đề. Những dấu hiệu như chóng mặt, đau ngực, khó thở hoặc buồn nôn đều là những cảnh báo không thể bỏ qua. Khi gặp phải những triệu chứng này, người tham gia cần dừng lại ngay lập tức và tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Lưu ý, trong quá trình chạy marathon, việc bổ sung nước và điện giải là rất quan trọng để duy trì sự cân bằng trong cơ thể.
"Nhiều người cho rằng chỉ cần bổ sung nước mà không bổ sung điện giải là sai lầm nguy hiểm. Bởi khi đổ mồ hôi, cơ thể mất cả nước lẫn ion (natri, kali). Nếu chỉ uống nước lọc, nồng độ điện giải trong máu càng loãng dẫn đến ngất, co giật. Tốt nhất dùng nước thể thao chuyên dụng hoặc oresol pha đúng tỉ lệ để đảm bảo sức khỏe trong suốt cuộc đua" - BS Lộc lưu ý thêm.
Bình luận (0)