Năm cũ kết thúc và năm mới bắt đầu với quan hệ giữa Bờ Biển Ngà và Pháp là dấu ấn về rạn vỡ và xa cách chứ không phải ngược lại, khi Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara yêu cầu Paris triệt thoái hết quân đội ra khỏi quốc gia châu Phi này.
Bờ Biển Ngà từng là thuộc địa của Pháp và Pháp đồn trú binh lính ở đây từ nhiều thập kỷ. Cách đây không lâu, chính ông Ouattara đã được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đón rất trọng thị ở thủ đô Paris.
Ông Ouattara lý giải quyết định yêu cầu Pháp chấm dứt hoàn toàn hiện diện quân sự ở Bờ Biển Ngà là do quân đội của họ hiện đủ mạnh để bảo vệ đất nước và bảo đảm an ninh quốc gia.
Đây là cú đòn nặng nề mới giáng vào Pháp, tác động tai hại tới vị thế, vai trò và ảnh hưởng chính trị và an ninh của Pháp ở châu Phi nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Đó cũng là diễn biến mới nhất của tiến trình các quốc gia từng là thuộc địa của Pháp ở châu Phi ruồng rẫy mẫu quốc xưa.
Trước Bờ Biển Ngà, Chad và Senegal đã yêu cầu Pháp rút hết binh lính ra khỏi các nước này. Ngoài ra, ba quốc gia ở khu vực Tây Phi là Mali, Burkina Faso và Niger sau đảo chính quân sự đã yêu cầu Pháp đóng cửa các căn cứ quân sự và triệt thoái hết binh lính Pháp ra khỏi đó. Vậy là ở khắp châu Phi, sắp tới Pháp chỉ còn có khoảng 1.500 binh lính ở Djibouti và 300 binh lính ở Gabon.
Cũng như Bờ Biển Ngà, Chad lập luận là họ đã đủ mạnh về quân sự nên không còn cần Pháp hậu thuẫn quân sự nữa. Thẳng thừng hơn, Senegal tuyên bố hiện diện quân sự của Pháp không còn phù hợp với đường lối đối ngoại của nước này. Ba quốc gia có đảo chính quân sự trên thực tế đã "đuổi" chứ không yêu cầu Pháp rút hết binh lính đi.
Nguyên nhân biểu hiện ra bên ngoài khác nhau nhưng bản chất lý do chính của việc Pháp bị xa cách ở châu Phi là tâm trạng không hài lòng ngày càng tăng của người dân và chính quyền nơi đây và sự cần thiết phải thay đổi cơ bản mối quan hệ của họ với Pháp cho phù hợp tình hình mới.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy chính mẫu quốc xưa phải tự trách mình chứ không thể trách các nước thuộc địa cũ này.
Suốt bao năm qua, Pháp chỉ tập trung vào chính trị an ninh ở các nơi này nhằm phục vụ cho lợi ích của mình ở châu Phi chứ không giúp các quốc gia liên quan phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội nhức nhối. Đã thế, quân đội Pháp lại còn không giúp các nước này bảo đảm an ninh trước các thách thức ở bên trong cũng như từ bên ngoài.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi theo thời gian đã có thêm nhiều lựa chọn khác vì các đối tác bên ngoài ngày càng ganh đua quyết liệt trên châu lục này.
Chỉ tới khi không còn lụy Pháp về an ninh và không còn để quân đội nước ngoài hiện diện trực tiếp thì các quốc gia châu Phi mới dễ dàng chọn lựa đối tác mới, từ đó gia tăng vị thế và giá trị của chính họ trong chính sách của các đối tác và mới có thể chơi con bài đối trọng.
Pháp và các nước phương Tây khác sẽ còn tiếp tục thất thế ở châu Phi, nhường cơ hội và thuận lợi cho Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác bên ngoài khác.
Bình luận (0)