Năm 2024, TP HCM đã đạt được những thành tựu đáng kể trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, với GRDP tăng trưởng ước đạt 7,17%. Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng trên 10% vào năm 2025, thành phố cần có những giải pháp căn cơ và đột phá.
Cần huy động 81% nguồn vốn ngoài ngân sách
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy "tham vọng", TP HCM cần huy động 81% nguồn vốn từ bên ngoài ngân sách. Trong bối cảnh đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt.
"Chính sách cởi mở và ít thủ tục" là yếu tố tâm lý quan trọng mà các nhà đầu tư tư nhân rất quan tâm. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng hằng năm cũng tác động lớn đến tăng trưởng bền vững.
Việc cải thiện Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và phân cấp, phân quyền để không lãng phí thời gian sẽ tạo động lực cho đầu tư tư nhân phát triển.
Đối với các dự án đầu tư có Nghị định 31/2021/NQ-CP và Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT, về chủ trương đầu tư nên phân cấp cho sở kế hoạch và đầu tư xem xét chấp thuận để rút ngắn thời gian chờ đợi. Trường hợp không phân cấp chủ trương thì tất cả điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan đến dự án nên phân cấp cho sở kế hoạch và đầu tư quyết định.

TP HCM hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con sốẢnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng trưởng tín dụng
Luật Đất đai có hiệu lực giúp tháo gỡ khó khăn chung khi bồi thường đất để thực hiện dự án. Tuy nhiên, bảng giá đất tăng cao tác động lớn đến chi phí của nhà đầu tư khi thuê mặt bằng sản xuất và dịch vụ. Cụ thể, nguồn thu ngân sách từ thuế chuyển mục đích đất ở giảm sâu do giá tăng cao hơn hàng chục lần so với trước khi luật đất đai có hiệu lực.
Việc cần điều chỉnh chính sách về giá đất là rất cần thiết. Một yếu tố quan trọng khác để tăng trưởng là hạn chế lãng phí đất đai, không chỉ đất công mà còn đất đai tư nhân.
Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực giúp thị trường minh bạch hơn. Theo thống kê, khoảng 15%-20% số tiền kiều hối được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Những thay đổi từ luật đã tạo khung pháp lý chính thống và chính sách linh hoạt, quy định người gốc Việt Nam ở nước ngoài được chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở.
Tuy nhiên, giá bất động sản tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn ngoại tệ từ kiều hối. Do vậy, chính sách điều chỉnh bảng giá đất theo biên độ tăng dần là phù hợp với tốc độ phát triển chung của thị trường.
Hiện tại, tỉ lệ đầu tư tư nhân chiếm 55% trên tổng mức đầu tư toàn xã hội và vốn đầu tư tư nhân tăng trưởng năm 2024 chưa tới 3%. Đây là điều đáng lo ngại nếu muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 10% vào năm 2025.
Về chính sách, cần tăng tỉ lệ tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước đạt 16%-18% trong năm 2025 để đẩy vào hệ thống 2,2 - 2,8 triệu tỉ đồng. Như vậy, hy vọng mục tiêu tăng trưởng sẽ đạt 2 con số.
Ngoài ra, rất cần chính sách từ Trung ương để định hình lại các ngân hàng nhà nước làm chủ đạo trung gian tín dụng để đáp ứng vốn thị trường theo lãi suất kỳ vọng 5%-6%/năm. (Còn tiếp)
Bình luận (0)