Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai tiêm phòng vắc-xin sởi trên địa bàn theo kế hoạch.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch sởi tại địa phương, tỉ lệ tiêm chủng, năng lực xét nghiệm, điều trị, nguồn lực sẵn có trong phòng, chống dịch..., phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur thực hiện đánh giá nguy cơ, xác định vùng nguy cơ; rà soát đối tượng, đề xuất bổ sung địa bàn và đối tượng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trong trường hợp cần thiết.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch sởi, chủ động tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát trong cộng đồng.
Theo ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cuối năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông báo về nhiều nước trên thế giới có số ca mắc sởi gia tăng và cảnh báo Việt Nam về dịch sởi có thể bùng phát.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét các loại vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có sởi.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, trong đó tại TP HCM ghi nhận hơn 500 ca mắc, 209 ca dương tính (39,8%). Đại diện Bộ Y tế cũng cảnh báo mùa tựu trường đang đến gần, nguy cơ mắc sởi, lây truyền bệnh là rất lớn; tỉ lệ nặng, tử vong nằm ở nhóm trẻ chưa được tiêm chủng.
Theo WHO, tại Việt Nam việc đại dịch COVID-19 hoành hành đã gây gián đoạn nguồn cung ứng vắc-xin, cũng như công tác tiêm chủng vắc-xin. Điều này tạo ra khoảng trống vắc-xin ở nhiều trẻ em.
Hiện Bộ Y tế đang phối hợp với WHO, UNICEF cùng các địa phương tổ chức chiến dịch tiêm chủng 1.134.200 liều vắc-xin phòng sởi nhằm bao phủ vắc-xin cho trẻ, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh và chuyển nặng.
Chiến dịch tiêm hơn 1 triệu liều vắc-xin sởi này được triển khai lần này sẽ khác với các chiến dịch trước đây, đó là các đối tượng tiêm được mở rộng từ 1 - 10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin chứa thành phần sởi. Quy mô tiêm tại 18 tỉnh, thành.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch.
Sởi là căn bệnh lây lan rất nhanh với hệ số lên đến 12-18 (tức một cá nhân mắc bệnh sởi có thể truyền virus cho 12-18 người không có miễn dịch ở xung quanh). Đối với sởi, tiêm chủng vắc-xin được đánh giá là "vũ khí" hiệu quả nhất để kiểm soát dịch.
Bình luận (0)