Theo đài ABC News, nếu không có thỏa thuận nào đạt được trước hạn chót này, ngân sách dành cho một số cơ quan chủ chốt sẽ cạn kiệt, bao gồm Bộ Nông nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị... Đến ngày 8-3, ngân sách dành cho 8 cơ quan chính phủ còn lại cũng sẽ hết nếu Quốc hội không hành động.
Nguy cơ Chính phủ Mỹ đóng cửa, cùng với vấn đề viện trợ cho Ukraine và Israel là những nội dung thảo luận chính tại cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo quốc hội tại Nhà Trắng trong ngày 27-2.
Một ngày trước cuộc gặp này, lãnh đạo 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Thượng viện đều khẳng định sẽ không để chính phủ đóng cửa.
Tuy nhiên, theo Reuters, thách thức hiện nằm ở Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, nơi một nhóm nghị sĩ bảo thủ theo đường lối cứng rắn thường xuyên cản trở tiến trình thông qua dự luật.
Vấn đề chính hiện nay là Đảng Cộng hòa muốn đưa vào các dự luật chi tiêu một số nội dung chính sách mà Đảng Dân chủ phản đối, như ngăn chặn các sáng kiến liên quan khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden, cắt giảm ngân sách cho các cơ quan Liên Hiệp Quốc.
Đây là lần thứ tư Quốc hội Mỹ đối mặt hạn chót liên quan việc cấp ngân sách cho chính phủ kể từ tháng 10-2023.
Trong 3 lần trước đó, cơ quan này đã thông qua dự luật chi tiêu ngắn hạn để có thêm thời gian thương thảo về các dự luật ngân sách dài hạn hơn. Một số chuyên gia cảnh báo tình trạng bế tắc có thể khiến Quốc hội Mỹ càng thêm chậm trễ thông qua dự luật quan trọng và có mức độ ưu tiên cao này.
Bình luận (0)