Sáng 5-7, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow "Chính quyền địa phương 2 cấp: Làm sao để gần dân hơn, hiệu quả hơn?". Sự kiện diễn ra trong bối cảnh TP HCM và cả nước vừa chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1-7 theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12-6-2025 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Nhiều tín hiệu lạc quan
Khách mời chương trình gồm: bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP HCM; bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM; PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ; ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM; bà Lê Thị Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hưng, TP HCM. Các khách mời trực tiếp trả lời câu hỏi của người dân; trao đổi, phân tích, đề xuất các giải pháp để bộ máy chính quyền mới sớm đi vào ổn định, vận hành hiệu quả.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết TP HCM đã có sự chuẩn bị chu đáo cho việc triển khai thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp tại thành phố. Ngay từ giai đoạn đầu, 168 đơn vị hành chính cấp xã và thành phố đã xây dựng kế hoạch để bộ máy vận hành chính thức vào ngày 1-7.
Từ ngày 1-7 đến nay, TP HCM đã cơ bản vận hành thực hiện các nội dung. Trong đó, HĐND TP HCM và HĐND của 168 phường, xã và đặc khu đã thành lập các cơ quan chuyên môn, bầu và chỉ định các chức danh lãnh đạo, quản lý để vận hành bộ máy.
Trong tuần đầu tiên hoạt động, bộ máy tổ chức cơ bản ổn định. Tuy nhiên, các đại biểu cũng thẳng thắn nhìn nhận những lúng túng ban đầu trong quá trình chuyển từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Chủ tịch UBND phường Hòa Hưng Lê Thị Ngọc Hiền cho hay phường có diện tích 2,59 km2, với dân số khoảng 100.000 dân. Khối lượng công việc lớn cùng với cơ sở vật chất được tận dụng lại của đơn vị khác khiến phường gặp nhiều áp lực trong giai đoạn đầu hoạt động. Dù được TP HCM quan tâm, hỗ trợ nhưng hạ tầng số vẫn có lúc chưa xuyên suốt để phục vụ tốt nhất cho người dân.
Sau tuần đầu tiên hoạt động, phường Hòa Hưng đã nhận hơn 300 hồ sơ của người dân. Mặc dù đối diện nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ, 100% hồ sơ của người dân đã được phường giải quyết đúng hạn. Phường cũng nhận được 4 phản ánh, kiến nghị của người dân qua cổng 1022 và đều được giải quyết trước hạn. Do làm tốt công tác tuyên truyền trước đó nên người dân đồng tình, ủng hộ.
Còn theo Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM Cao Thanh Bình, trong quá trình giám sát, khảo sát và lắng nghe các kênh thông tin thì thấy rằng người dân và cử tri đánh giá rất cao, kỳ vọng và đặt niềm tin vào chính quyền địa phương 2 cấp. Dù chỉ mới đi vào hoạt động một tuần nhưng người dân rất hài lòng, bởi lẽ đội ngũ cán bộ các phường, xã, đặc khu luôn toàn tâm, trách nhiệm, tận tình phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Khách mời của talkshow “Chính quyền địa phương 2 cấp: Làm sao để gần dân hơn, hiệu quả hơn?” trả lời câu hỏi của người dânẢnh: QUANG LIÊM
Kết nối chính quyền và người dân
Bà Võ Thị Trung Trinh cho biết tính đến chiều 4-7, toàn TP HCM có hơn 60.000 hồ sơ xử lý, trong đó 1/3 hồ sơ được người dân thực hiện trực tuyến. Kết quả này thể hiện người dân đã "tương tác" với dịch vụ công của thành phố. Bên cạnh đó, tổng đài 1022 cũng ghi nhận nhiều câu hỏi của người dân về trụ sở, tiếng ồn, rác thải... dù lúc đầu hệ thống vận hành còn trục trặc. Điều này cũng cho thấy người dân rất quan tâm việc sử dụng dịch vụ công của thành phố.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, TP HCM đang thực hiện chung một hệ thống cho toàn thành phố. Đây là một chủ trương lớn của thành phố trong công cuộc chuyển đổi số. Bước đầu ghi nhận 3 nội dung còn bất cập. Thứ nhất, thông tin của các bộ, ngành như hộ tịch, lý lịch tư pháp, VNeID... trong tuần đầu tiên ghi nhận một số trục trặc. Thứ hai, hệ thống còn xảy ra một số sự cố nhỏ cần xử lý. Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống chuyển đổi số ở phường, xã, đặc khu. Nếu giải quyết được 3 vấn đề này, hệ thống sẽ vận hành trơn tru.
PGS-TS Vũ Tuấn Hưng đánh giá về cơ bản, TP HCM đã có sự chuẩn bị chu đáo cho vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Với 1/3 thủ tục được người dân thực hiện trực tuyến trong những ngày đầu chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là tín hiệu tốt, khẳng định TP HCM là một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi số.
Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ góp ý việc thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn TP HCM cần có sự điều chỉnh linh hoạt nhằm phù hợp với từng địa bàn theo quy mô dân số, diện tích, kinh tế… Đồng thời, cần có thêm nhiều kênh thông tin để tăng cường kết nối, tương tác giữa chính quyền với người dân.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Bà Võ Thị Trung Trinh khẳng định trung tâm luôn xác định việc lắng nghe người dân là nhiệm vụ thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình chuyển đổi số cũng như trong quá trình xây dựng các ứng dụng, nền tảng số.
Trước khi đưa bất kỳ nền tảng hay ứng dụng số nào vào sử dụng, trung tâm đều tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ thân thiện, dễ sử dụng đối với người dùng, đặc biệt chú trọng phản hồi từ thực tiễn để tìm được "mẫu số chung" phù hợp với đông đảo người dân. Đơn cử như ứng dụng "Công dân số TP HCM", sau khi triển khai, trung tâm liên tục tiếp nhận góp ý để điều chỉnh giao diện, tính năng sao cho thuận tiện nhất.
Khi hướng đến xây dựng chính quyền số, doanh nghiệp thường dễ tiếp cận hơn nhưng người dân - đặc biệt là người lớn tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn - lại gặp một số khó khăn. Nhận thức rõ điều này, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp, như thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở cơ sở để hỗ trợ trực tiếp người dân; triển khai chương trình "Bình dân học vụ số" để phổ cập kiến thức, hướng dẫn thực hành sử dụng… "Chúng tôi hiểu rằng để chuyển đổi số toàn diện, cần có quá trình, thời gian và chính sách cụ thể cho từng nhóm đối tượng. TP HCM đang từng bước xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp. Mục tiêu là không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình số hóa" - bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết để giữ chân và tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, TP HCM có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội quy định cơ chế đặc thù về thu nhập tăng thêm. Bên cạnh đó là các chế độ, chính sách thu hút nhân tài.
Ông Cao Thanh Bình nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp cơ sở - nơi gần dân nhất - là vấn đề mà HĐND TP HCM đặc biệt quan tâm. HĐND TP HCM đã xây dựng Đề án 01 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát với rất nhiều giải pháp cụ thể. Thời gian tới, các nội dung này sẽ tiếp tục được bổ sung, cập nhật để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời có những buổi tập huấn, hướng dẫn cho đại biểu ở phường, xã, đặc khu, để đại biểu thật sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri, người dân; đặc biệt giám sát chặt chẽ để chính quyền địa phương gần dân, sát dân.
Theo ông Cao Thanh Bình, TP HCM từng có giai đoạn thực hiện chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND cấp phường. Nay, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai, HĐND được tổ chức đầy đủ ở cấp thành phố, cấp phường - xã - đặc khu nên HĐND TP HCM đặc biệt chú trọng làm sao để đại biểu HĐND nắm được nhiệm vụ cốt lõi, trách nhiệm của mình.
Củng cố cơ sở hạ tầng số
Theo PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, để xây dựng một chính quyền thật sự gần dân, sát dân thì vấn đề phục vụ cần đặt lên hàng đầu, cần loại bỏ những khâu trung gian không cần thiết trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Tại TP HCM, có thể thấy chuyển đổi số là cách trực tiếp, trực diện để gần dân. "Cần áp dụng cơ chế đặc thù cho những phường, xã có diện tích và quy mô dân số lớn. Bên cạnh đó, cần củng cố, nâng cao cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng số, bởi đây là "mạch máu" để giải quyết công việc tốt, hiệu quả cao hơn" - PGS-TS Vũ Tuấn Hưng góp ý.
Bình luận (0)