Mở đầu bài bình luận viết trên tạp chí Foreign Policy, ông Howard W. French - chuyên gia tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) - nhấn mạnh: "Một trong những điều Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cần nhận ra khi trở lại Nhà Trắng là tầm nhìn của ông về sự thống trị hoàn toàn của Mỹ ở Tây bán cầu đã hết sức lỗi thời".
Bình luận này được đưa ra sau cuộc họp báo gây xôn xao hôm 7-1 của ông Trump, trong đó nhiều quan điểm đối ngoại của tổng thống đắc cử Mỹ vẫn thể hiện tính "cửa trên", bao gồm muốn sáp nhập Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, muốn Đan Mạch "từ bỏ" để Mỹ mua lại đảo Greenland, muốn lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama…
Nghiêm trọng hơn, ông Trump không chỉ đe dọa sử dụng áp lực kinh tế để đạt được mục đích - trong trường hợp Canada - mà còn không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự trong vấn đề Greenland và kênh đào Panama - theo tường thuật của hàng loạt cơ quan báo chí trên khắp thế giới.
Chuyên gia French lập luận ông Trump không nhận ra rằng thịnh vượng của Mỹ cũng chính là thịnh vượng của hai nước láng giềng Canada, Mexico và rằng kinh tế Mỹ - Canada cũng như Mỹ - Mexico thuộc loại tích hợp vào nhau cao nhất thế giới.
Canada chẳng hạn, trong suy nghĩ của nhiều người Mỹ, Canada bị xem là quốc gia phụ thuộc Mỹ, song thực tế tại vùng Ngũ Đại Hồ chứng minh điều ngược lại.
Ngũ Đại Hồ - khu vực xuyên quốc gia kéo dài từ miền Tây New York và Pennsylvania (Mỹ) ở phía Đông đến miền Nam Ontario (Canada) ở phía Tây - là "siêu vùng" đông dân nhất Tây bán cầu và là một trong những nguồn tạo ra tài sản lớn nhất của thế giới, với tốc độ vận chuyển hàng hóa chóng mặt qua lại qua biên giới Canada - Mỹ. Mười một trong số 20 thành phố lớn nhất Ngũ Đại Hồ là của Canada, với những cái tên lừng lẫy như Toronto, Montreal và Ottawa…
Trong khi đó, láng giềng phía Nam Mexico gần đây thậm chí đã vượt qua Canada trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Từ những thực tế trên, chuyên gia French lập luận cái giá để Mỹ trở thành "láng giềng xấu tính" không hề nhỏ. Hơn nữa, không phải chỉ Mỹ mới có quyền quyết định. Một xu hướng khác đang hình thành trong khu vực: Các quốc gia cảm thấy bị ông Trump ép buộc có thể chủ động "rời xa" Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Honduras Xiomara Castro đe dọa đóng cửa một căn cứ không quân Mỹ đã hoạt động tại nước này từ những năm 1980 nếu ông Trump thực hiện chiến dịch trục xuất người Honduras.
Các nước Trung Mỹ khác có thể phối hợp phản ứng, khiến cho lời hứa trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ của ông Trump càng thêm tốn kém và phức tạp.
Xa hơn, các nước Nam Mỹ vốn cảm thấy bị Mỹ bỏ quên - khi Washington tập trung vào Ukraine, Trung Đông và Đông Á - đã nhích lại gần Trung Quốc về mặt kinh tế. Trong hai thập kỷ qua, Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nam Mỹ và vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư mới tại lục địa này.
Vào tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khánh thành một cảng mới trị giá 1,3 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ tại Peru nhân dịp ông đến đây dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Chuyến thăm của ông Tập, diễn ra ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dường như mang một thông điệp rõ ràng: Trong khi Washington tạo cảm giác áp đặt và khó đoán, Bắc Kinh đã, đang và sẽ luôn mong muốn hợp tác.
Chính phủ Panama hôm 7-1 tuyên bố chủ quyền của kênh đào Panama là không thể thương lượng. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Panama Javier Martinez-Acha, chủ quyền công trình này là một phần trong lịch sử đấu tranh của Panama, đồng thời lưu ý rằng Tổng thống Jose Raul Mulino cũng nêu rõ lập trường về vấn đề này trước đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định chỉ có người dân tại lãnh thổ tự trị Greenland mới có thể quyết định tương lai của họ. Bà cho hay Greenland không phải để bán nhưng nhấn mạnh Đan Mạch cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ, vốn là một đồng minh quan trọng của Đan Mạch trong NATO.
Thủ tướng Đan Mạch cũng nói bà hoan nghênh đầu tư của Mỹ vào Greenland nhưng không ủng hộ sự quan tâm mới của ông Trump đối với nơi này. Lãnh đạo Greenland Mute Bourup Egede cũng bác bỏ đề xuất của ông Trump trong lúc tái khẳng định Greenland thuộc về người dân lãnh thổ này.
Do Đan Mạch còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) nên Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot hôm 8-1 cảnh báo ông Trump không được đe dọa đến "các biên giới có chủ quyền" của khối này. Theo quan chức này, không có chuyện EU để cho các quốc gia khác tấn công vào các biên giới có chủ quyền của mình.
Tương tự Đan Mạch, Canada nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ song phương tốt đẹp với Mỹ dù bác đề xuất của ông Trump về việc biến Canada thành "bang thứ 51" của Mỹ. Thủ tướng sắp mãn nhiệm Justin Trudeau hôm 7-1 tuyên bố không có chuyện Canada trở thành một phần của Mỹ. Ông lập luận rằng hai nước đều được hưởng lợi khi trở thành đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau.
Xuân Mai
Bình luận (0)