Đó là ý kiến được TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, chia sẻ tại tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân", do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP HCM (VTV) tổ chức, ngày 27-5.
Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh hàng loạt quyết sách lớn của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về phát triển khu vực kinh tế tư nhân vừa được ban hành. Nổi bật là Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, kinh nghiệm quốc tế cho thấy mọi nền kinh tế duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung: khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm. Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng, trong đó việc phát triển khu vực tư nhân không thể chỉ dừng lại ở thông điệp chính trị, mà cần các đột phá thể chế cụ thể.
Điểm nghẽn hiện nay nằm ở thực thi. Việc ban hành chính sách không đủ và điều quan trọng là chính sách đó có tạo được cơ chế tiếp cận nguồn lực công bằng và hiệu quả cho doanh nghiệp hay không?

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, lần đầu tiên xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế
"Chính sách không thể chỉ là khẩu hiệu. Cần hỗ trợ bằng nguồn lực thực từ nhà nước. Như về đất đai, có thể tái khai thác các quỹ đất công chưa sử dụng, hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, startup sáng tạo… Về vốn đầu tư, kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay phục vụ hệ sinh thái nội bộ để vừa bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính, vừa giải phóng các dòng vốn thật cho kinh tế tư nhân" – ông Nguyễn Xuân Thành nói.
Ông Nguyễn Bá Diệp – Đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo, nói rằng việc nhà nước bước đầu thiết lập khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát sandbox - một khung pháp lý đặc biệt dành cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là bước tiến lớn trong tư duy quản lý. Điều này cho phép các doanh nghiệp công nghệ được thử nghiệm mô hình mới trong môi trường pháp lý linh hoạt, từ đó rút kinh nghiệm trước khi mở rộng triển khai.
"Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp kỳ vọng không chỉ là sự ra đời của sandbox mà là cách được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống - từ trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến cấp thực thi. Nếu làm được điều đó, sandbox sẽ không chỉ là chính sách mang tính biểu tượng, mà thực sự trở thành "bệ phóng" cho những mô hình kinh doanh đột phá" – ông Nguyễn Bá Diệp nói.
Bình luận (0)