1. Chính sách với cán bộ công chức viên chức tại các đơn vị hành chính sau sắp xếp
- Các chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, quản lý và các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị cấp huyện và cán bộ cấp xã dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 37-NQ/TW, Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 và Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện theo quy định của Chính phủ, Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ở xã, phường, thị trấn thì được áp dụng theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP, Hướng dẫn 27-HD/BTCTW năm 2019. Trường hợp thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì thực hiện theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP.
- Cán bộ, công chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc giữ chức vụ lãnh đạo có phụ cấp chức vụ (bao gồm bầu cử, bổ nhiệm) thấp hơn lúc chưa sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhưng vẫn là cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được hưởng nguyên lương, phụ cấp và bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ đại hội của tổ chức đó.
Trường hợp thời hạn còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm dưới 06 tháng thì được bảo lưu tròn 06 tháng.
Quá thời hạn trên, nếu bố trí sang chức vụ, chức danh mới thì thực hiện theo quy định của chức vụ, chức danh mới đó; nếu không được bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh lãnh đạo thì hưởng lương theo ngạch, bậc và phụ cấp (nếu có) hoặc nghỉ chế độ theo các quy định hiện hành.
- Ngoài các chế độ, chính sách quy định nêu trên, trên cơ sở cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (kể cả ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện và cán bộ chuyên trách giữ chức vụ bầu cử theo nhiệm kỳ ở cấp xã).
2. Bố trí cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
- Tạm dừng việc bầu các chức danh cán bộ cấp xã (bao gồm: bí thư, phó bí thư cấp ủy; chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã) ở các đơn vị hành chính phải sắp xếp kể từ ngày ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã cho đến khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính tương ứng có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp khuyết người đứng đầu mà không bố trí được người phụ trách theo quy định của cấp có thẩm quyền thì được bầu chức danh đó.
- Việc bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Ưu tiên bố trí, sắp xếp cán bộ cấp xã có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện vào các chức danh tương đương hoặc ưu tiên giới thiệu bầu chức danh cán bộ ở đơn vị hành chính cấp xã khi có nhu cầu hoặc ưu tiên tuyển dụng làm công chức (cấp huyện, cấp xã) nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
- Ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy trực thuộc xây dựng kế hoạch, lộ trình và thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã, bảo đảm chậm nhất sau 60 tháng kể từ ngày quyết định thành lập tổ chức có hiệu lực thi hành thì thực hiện đúng theo quy định chung. Trường hợp đặc biệt, ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh báo cáo Ban Tổ chức Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bình luận (0)