Ngày 12-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 5 năm Toà trọng tài vụ kiện Biển Đông ra Phán quyết cuối cùng (12-7-2016), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, và bằng các giải pháp, biện pháp hoà bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS 1982 và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định trên cơ sở UNCLOS 1982.
Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 (PCA) để xem xét vụ kiện của Philippines kiện "đường lưỡi bò" hay còn gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc đơn phương đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông. Đầu năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện, cho rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không phù hợp với UNCLOS 1982 và cần được tuyên bố là không có căn cứ. Philippines cũng khẳng định một số rạn san hô và bãi cát ngầm Trung Quốc chiếm đóng không được hưởng lãnh hải hoặc làm cơ sở để tuyên bố có lãnh hải.
Trung Quốc tuyên bố không tham gia vụ kiện, không chấp nhận phán quyết từ PCA, giữ quan điểm tranh chấp với các nước có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông cần được giải quyết song phương. Đồng thời, từ năm 2014, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn trên một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, đưa các thiết bị, máy móc quân sự ra các căn cứ này.
Tháng 10-2015, PCA thông báo tòa có thẩm quyền xét xử vụ kiện của Philippines.
Ngày 12-7-2016, PCA đã có phán quyết cuối cùng.
Đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó, lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có tư cách pháp nhân bác bỏ quyền lịch sử của Trung Quốc trong phạm vi đường lưỡi bò, thực chất là bác bỏ đường lưỡi bò, xác định nó không có cơ sở pháp lý và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử đối với tài nguyên bên trong đường lưỡi bò…
Đây cũng là lần đầu tiên Toà đã ra bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, lần đầu tiên nhân loại có một bộ định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học.
Toà cũng khẳng định những gây hại đối với môi trường, làm gia tăng tranh chấp và những tính phi pháp trong nhiều hành động của Trung Quốc, không chỉ đối với Philippines mà còn đối với các hoạt động khác nói chung.
Cùng ngày 12-7, ông Lê Hải Bình, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, nêu rõ: Việt Nam hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều ngày 14-7, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã tóm tắt một số ý chính trong tuyên bố ngày 5-12-2014 mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi đến PCA trên cơ sở đề nghị của Philippines để phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Theo đó, Việt Nam ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định UNCLOS 1982, kể cả việc giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng công ước bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam bảo lưu các quyền và lợi ích hợp pháp cũng như các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và các quyền và lợi ích ở các vùng biển được xác định theo UNCLOS 1982. Việt Nam mong rằng Tòa giải thích và áp dụng các quy định liên quan tới công ước trong vụ kiện để đưa ra phán quyết công bằng và khách quan. Việt Nam đề nghị Tòa đặc biệt quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam ở Biển Đông và Việt Nam sẽ xem xét các bước đi tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia.
Bình luận (0)