Ngày 18-7, UBND TP Cần Thơ tổ chức buổi tọa đàm "Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn".
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn đã trở thành thông lệ được thực hiện định kỳ hàng năm. Thông qua đối thoại là cơ hội trao đổi thông tin 2 chiều, để thành phố lắng nghe những ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại buổi tọa đàm
"UBND TP đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và HĐND TP. Đặc biệt là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế"- ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, nhiều doanh nghiệp nêu nhiều vấn đề vướng mắc trong hoạt động sản xuất như về thuế, đất đai, thủ tục hành chính,… và được các sở, ngành trả lời từng ý kiến.
Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, cơ cấu kinh tế của Cần Thơ hiện nay phát triển theo định hướng là công nghiệp, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao nhưng quy mô còn khiêm tốn. Từ hoạt động quy mô doanh nghiệp đến số lượng doanh nghiệp, tính chất hoạt động cũng như lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp cũng còn ít.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết công tác gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn đã trở thành thông lệ được thực hiện định kỳ hàng năm.
Chính vì vậy, thành phố chưa có doanh nghiệp lớn quy mô lớn vài ngàn tỉ đồng mà chủ yếu là quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Từ những điều trên nên thu ngân sách nhà nước tốc độ chậm. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng đây là những việc thành phố cần tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới.
"Cấp ủy không làm thay chính quyền nhưng có trách nhiệm đề nghị chính quyền hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan trung ương, chúng ta phải tập hợp lại sớm có đề xuất kiến nghị" - ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Với những vụ việc, vấn đề kiến nghị của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng doanh nghiệp cần có đề nghị bằng văn bản và sở, ngành cũng phải trả lời bằng văn bản để cùng cộng hưởng trách nhiệm, theo dõi kết quả.
Đồng thời, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP, các sở, ngành thiết lập các kênh thông tin trao đổi trực tiếp trực, trực diện, tiếp xúc, lắng nghe, giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp. Trong đó có vấn đề liên quan tới những chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất ngân hàng… nhiều khi doanh nghiệp không nắm hết mà phải từ chính những hoạt động của quản lý nhà nước, phải đưa ra cho cộng đồng doanh nghiệp biết được thông tin này, lúc đó doanh nghiệp mới triển khai được nhanh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nêu ví dụ như ngân hàng đưa ra gói tín dụng 10.000 tỉ đồng, nếu doanh nghiệp ở những địa phương khác biết nhanh hơn, triển khai ngay nên được hưởng ưu đãi này. Trong khi doanh nghiệp ở Cần Thơ không có thông tin kịp thời nên không tiếp cận được, khi làm hồ sơ thì hết chỉ tiêu, không còn nguồn vốn cho vay.
Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói thêm: "UBND TP phân công cụ thể cho các sở, ngành làm sao xem xét thấu đáo, có trách nhiệm với kiến nghị của các doanh nghiệp, cố gắng không để kiến nghị này kéo dài vì hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn. Sở Nội vụ cần tham mưu cho UBND TP cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, giảm bớt nhũng nhiễu, giấy tờ không có trong quy định và không cần thiết. Đừng có 1 cửa chính (1 cửa liên thông - PV) mà 9 cửa phụ làm khó doanh nghiệp và người dân".
Bình luận (0)