Ngày 11-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã dự Hội nghị sơ kết triển khai thực hiện thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP HCM năm 2018, triển khai kế hoạch thực hiện năm 2019 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM Vũ Thanh Lưu cho biết năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã chọn 5 đơn vị: Sở Xây dựng TP, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, UBND quận 1, UBND quận 12, UBND huyện Hóc Môn để khảo sát sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với công tác cải cách hành chính. Đơn vị đã tiếp cận khảo sát 2.468 người dân và tổ chức nhưng chỉ khảo sát thành công 1.132, trong đó qua điện thoại 1.051, gặp trực tiếp 81. Kết quả, tỉ lệ người dân hài lòng (cho điểm từ mức 6 trở lên): Sở kế hoạch và Đầu tư là 92%, Sở Xây dựng là 93%, quận 1 là 92%, quận 12 là 91 % và huyện Hóc Môn là 83%.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Vũ Thanh Lưu cũng chỉ ra những hạn chế như: Công tác triển khai, tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp về ý nghĩa, mục đích khảo sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM chưa sâu rộng. Vì thế, còn tình trạng một bộ phận người dân và doanh nghiệp (trong mẫu được lấy ý kiến) không tham dự buổi khảo sát trực tiếp tại các đơn vị hoặc không có ý kiến, cũng như không trả lời câu hỏi của các điều tra viên qua điện thoại…
Với việc chỉ gặp trực tiếp 81 người để khảo sát và 1.051 qua điện thoại, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên so sách hai hình thức có khác nhau hay không? Nếu giống nhau thì chỉ cần khảo sát một hình thức, hoặc gặp trực tiếp, hoặc qua điện thoại. Còn khác thì nên tính lại. Phải xem nguyên nhân vì sao người dân và tổ chức được liên hệ không tham gia khảo sát.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, kiến nghị việc tổ chức khảo sát phải thường xuyên liên tục để đảm bảo sự đánh giá đầy đủ, định kỳ hàng năm đối với tất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP; xử lý triệt để sau khảo sát; xây dựng quy trình khảo sát và công bố công khai quy trình khảo sát.
Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết đối với lĩnh vực cấp giấy chứng nhận nội dung khảo sát nên tính toán lại vì việc cấp giấy chứng nhận là do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 1, chi nhánh này thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Đối với việc đánh giá sự hài lòng nên đi vào vụ việc cụ thể và cần phản hồi cho đơn vị được đánh giá để biết được các hồ sơ không hài lòng nguyên nhân vì sao? Bà Hương cũng cho rằng nên có chuẩn đánh giá để có điểm tương đồng và việc đánh giá sát hơn.
Theo ông Lê Đăng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Phân tích thời gian thực (đơn vị phối hợp khảo sát), việc triển khai trên điện thoại thuận lợi hơn, mọi cuộc đánh giá hài lòng đều ghi âm để quản lý điều tra viên và có thông tin chi tiết của người dân.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết sau 1 năm thí điểm thì năm 2019 làm rộng cỡ nào? Theo ông Nguyễn Thiện Nhân nên triển khai ở tất cả các sở - ngành, quận-huyện. Trước mắt 6 tháng đầu thực hiện khảo sát ½ sở - ngành, quận- huyện. Theo đó, nên tập trung khảo sát các hồ sơ, lĩnh vực có nguy có chưa hài lòng cao. Sau đó, chọn chuyên đề để khảo sát. "Yêu cầu khảo sát xong nên đối chiếu ngay với đơn vị khảo sát, xem việc đối chiếu là khâu bắt buộc"- Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị.
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh báo cáo khảo sát phải có đơn vị kiểm định, bởi kết quả khảo sát sự hài lòng gắn với thu nhập tăng thêm.
Bình luận (0)