GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết năm 2021, Cục Lâm nghiệp Mỹ đã tài trợ dự án: "Tăng cường năng lực giám định gỗ cho Việt Nam" thời gian thực hiện 2 năm, trong đó dự án đã hỗ trợ công nghệ giám định gỗ DART - hệ thống phân tích tự động căn cứ vào so sánh kết quả phân tích quang phổ thành phần hóa học của các hợp chất có trong gỗ với thời gian phân tích rất ngắn (khoảng 10 phút).
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack xem các chuyên gia Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam vận hành hệ thống giám định gỗ công nghệ DART. Ảnh: Tùng Đinh
Dự án có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 13-15%, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 15,7 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ hiện nay chiếm tới 65-70%. Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới; chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.
Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do, vì vậy công tác kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt trong xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản rất quan trọng; nhu cầu giám định gỗ tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây.
Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam hàng năm phải xử lý khối lượng công việc rất lớn về giám định gỗ, song công nghệ giám định hiện nay chủ yếu dựa vào cấu tạo gỗ và thời gian giám định dài (thường mất 2-3 ngày), gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp.
"Do đó, việc tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ được xem như là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam" - GS-TS Võ Đại Hải khẳng định.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng phía Mỹ đã nhanh chóng triển khai các hoạt động, lắp đặt, vận hành công nghệ DART, hoàn thành vào tháng 8-2022, đã đào tạo 10 cán bộ tại Mỹ và Việt Nam về sử dụng công nghệ DART.
Còn Viện đã chủ động triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu, tính đến tháng 4-2023 đã thực hiện cho 460 loài cây, trong đó có 33 loài đủ 20 mẫu, 21 loài nhập khẩu.
Trong năm 2023, Viện tập trung nhân lực để hoàn thành cơ sở dữ liệu cho 800 loài cây gỗ chủ yếu tại Việt Nam, trong đó dự kiến sẽ có 100 loài có số mẫu đạt >20 mẫu. Viện sẽ triển khai thực hiện bộ tiêu chuẩn Việt Nam và các thủ tục pháp lý có liên quan để Việt Nam chính thức công nhận công nghệ DART được sử dụng trong giám định gỗ tại Việt Nam. Viện cũng đã nộp đơn đăng ký lên cơ quan Cities để xin cấp mã số làm cơ sở cho việc trao đổi mẫu vật quốc tế,...
Giám đốc Hải đề nghị phía Mỹ tiếp tục hỗ trợ đào tạo cán bộ của Viện thành các giám định viên quốc tế, có khả năng xử lý các sự cố liên quan đến công nghệ DART, tiếp tục hỗ trợ phát triển phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART của Viện thành Trung tâm giám định gỗ của vùng; kết nối với mạng lưới giám định gỗ quốc tế, ký kết hợp tác chia sẻ thông tin và cơ sở dữ liệu…
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack cùng GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (bìa phải); ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bìa trái), cắt băng khánh thành Phòng thí nghiệm giám định gỗ công nghệ DART. Ảnh: Tùng Đinh
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều gỗ nguyên liệu để sản xuất, tái xuất khẩu đến các thị trường quan trọng. Theo số liệu thống kê hai quan, năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ từ Mỹ với giả trị đến 350 triệu USD, tăng tới 60% so với năm trươc đó, chiếm tới 11% tổng giá trị nhập khẩu gỗ của Việt Nam, trong đó 98% là gỗ tròn và gỗ súc. Năm 2022, gỗ tròn nhập khẩu từ Mỹ lên tới 380.000 m2, với giá trị 96 triệu USD; còn gỗ súc là 376.000 m2, với giá trị 240 triệu USD.
"Đến nay công nghệ này đã hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng thực thi pháp luật trong lâm nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt trong công tác kiểm lâm, điều tra, cảnh sát môi trường, viện kiểm sát cũng như tòa án trong việc phân tích và giám định gỗ, hỗ trợ đắc lực trong việc phát hiện và ngăn ngừa các vụ khai thác gỗ bất hợp pháp, buôn lậu gỗ, giúp cải thiện thương mại công bằng và minh bạch trong công nghiệp gỗ, có thể hỗ trợ khai thác gỗ cũng như xuất khẩu sang thị trường Mỹ cũng như các thị trường quan trọng khác" - ông Tuấn khẳng định
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack nhấn mạnh công nghệ này có ý nghĩa rất quan trọng trong tương lai phát triển ngành gỗ ở Việt Nam.
Trước hết, công nghệ này giúp giám định và xác định loại gỗ nhanh chóng hơn, những gì trước đây chúng ta phải mất nhiều ngày mới có thể thực hiện nay đã có thể làm xong chỉ trong vài phút. Đồng thời, Việt Nam cũng có thể nhận được chứng nhận từ các đối tác quốc tế, từ đó sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc bán và xuất khẩu gỗ cũng như sản phẩm gỗ.
"Không có gì ngạc nhiên khi chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã trở thành quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gỗ. Với công nghệ này, chúng ta có thể đảm bảo tốt hơn nữa tính minh bạch trong ngành gỗ và từ đó thúc đẩy sự bền vững của ngành gỗ. Đó là những yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể xây dựng một thương hiệu mạnh của riêng mình trong ngành gỗ"- Bộ trưởng khẳng định.
Nhìn xa hơn, Bộ trưởng Thomas J. Vilsack cho biết điều này sẽ mang lại nhiều công ăn việc làm cũng như làm tăng thu nhập cho người dân Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nó cũng mang lại lợi ích cho người dân Mỹ. Gỗ nguyên liệu từ Mỹ cũng sẽ xuất khẩu sang nước khác nhanh chóng hơn, người tiêu dùng Mỹ cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Một số hình ảnh về buổi làm việc và hệ thống giám định gỗ công nghệ DART (Ảnh: Tùng Đinh):
GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đón Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack
GS-TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Thomas J. Vilsack phát biểu tại buổi làm việc
Bình luận (0)