Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin khi trẻ bị xâm hại đã có, và đã được đưa ra bàn luận rất nhiều thế nhưng những vụ việc xâm hại trẻ em vẫn không được giải quyết kịp thời, thấu đáo là thực tế được đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tố Trâm chỉ ra trong buổi làm việc của đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP HCM với UBND quận Bình Tân về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em sáng 18-4.
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm đã dẫn lại câu chuyện về trường hợp của bé gái 5 tuổi ở quận Tân Bình. Theo đó, sau khi biết tin bé gái bị xâm hại và báo công an phường, được yêu cầu đưa con đến bệnh viện khám, từ 4 giờ chiều đến tận 12 giờ đêm, 2 mẹ con phải đi lòng vòng khắp nơi từ phường đến quận rồi các bệnh viện để tìm nơi giám định cho bé nhưng không được.
Đến ngày hôm sau, người mẹ tiếp tục lên Hội bảo trợ trẻ em TP để cầu cứu. Đến khi này đứa trẻ mới được đi giám định. "Ngay giữa trung tâm TP mà hai mẹ con phải lòng vòng suốt cả đêm để được bảo vệ quyền lợi của mình là điều rất đáng suy nghĩ. Vấn đề đặt ra sau khi tố cáo, nạn nhân và người bảo hộ đã không nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan chức năng, họ cảm thấy không được bảo vệ. Thêm vào đó, đối tượng xâm hại không bị xử lý nghiêm. Như vậy công tác tuyên truyền dù có làm đủ mọi hình thức thì cũng đổ sông đổ biển bởi quy trình tiếp nhận, xử lý lòng vòng, “hành” nạn nhân như vậy" – đại biểu Tố Trâm nhấn mạnh.
Trả lời về trách nhiệm của cơ quan giám định trong những trường hợp tương tự, ông Vương Thành Tài, đại diện Sở Y tế TP HCM, cho rằng : "Việc giám định pháp y sẽ được thực hiện ngay sau khi có thông tin, hoàn toàn không đùn đẩy từ phường qua quận rồi đến trung tâm". Đồng thời cho biết thêm về chăm sóc điều trị không chỉ Trung tâm giám định pháp y mà các bệnh viện sản, bệnh viện nhi, bệnh viện có chuyên môn sâu bắt buộc phải xử trí vết thương sau khi trẻ bị xâm hại.
Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Cẩm, Phó trưởng Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội quận Bình Tân, cho biết hiện nay địa bàn có 97.598 trẻ có độ tuổi từ 0-16, chiếm tỉ lệ 14,1% tổng nhân khẩu. Một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em xảy ra có tính chất phức tạp, hầu hết do các đối tượng và người bị hại từ nơi khác đến.
Ngoài ra, theo bà Cẩm, quận Bình Tân là khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều khu dân cư mới, các khu nhà trọ công nhân kéo theo số lượng trẻ em tăng lên đồng thời cũng làm tăng nguy cơ xâm hại trẻ ở những khu nhà trọ.
Buổi làm việc của đoàn giám sát của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP HCM với UBND quận Bình Tân về công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em sáng 18-4
Thượng tá Nghiêm Văn Út, Phó Trưởng Công an quận Bình Tân, cho biết số vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn liên tục gia tăng. Năm 2017 là 8 vụ, năm 2018 lên tới 10 vụ. Đã củng cố hồ sơ khởi tố 8 vụ, chuyển Công an TP 5 vụ, tạm đình chỉ 5 vụ.
Thượng tá Nghiêm Văn Út nhận định việc xử lý các vụ xâm hại vẫn còn gặp nhiều khó khăn do trình báo chậm, không có chứng cứ, không có lời khai của nhân chứng. Ông Út cũng thông tin thêm việc giám định pháp y sẽ do cơ quan công an giới thiệu, hoặc cùng đi với người dân đến Trung tâm pháp y thì nơi đây mới thực hiện giám định và kết quả giám định này mới có giá trị pháp lý. Đó là quy định bắt buộc của pháp luật. Về phương hướng sắp tới, ông Út cho biết Công an quận đang tập trung công tác truy xét, trưng cầu giám định, kiên quyết xử lý đối với những vụ án xảy ra trên địa bàn.
Ông Chung Hùng Bang, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP, nhận định đối tượng xâm hại trẻ em hiện nay đa diện. Từ ông lão đến trẻ vị thành niên đều có thể là đối tượng xâm hại. Trong khi đó, quy trình tiếp nhận, xử lý đã có nhiều năm nhưng nhiều nơi chưa hiểu hết, chưa có sự phối hợp đồng bộ. Cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn. Bên cạnh đó, ông Bang còn đề xuất đường dây nóng miễn phí để can thiệp và hỗ trợ trẻ em.
Bình luận (0)