Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ New Zealand, bà Jacinda Ardern, tối 16-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) về ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế. Tham dự Cuộc họp có Lãnh đạo Kinh tế của 21 thành viên APEC.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC - Ảnh: TTXVN
Với chủ đề "Ứng phó đại dịch Covid-19, đâu là cơ hội của châu Á-Thái Bình Dương hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, đẩy nhanh phục hồi kinh tế, đặt nền tăng cho tương lai tốt đẹp hơn?", cuộc họp tập trung thảo luận về các giải pháp vượt qua khủng hoảng y tế và đẩy nhanh phục hồi kinh tế tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Giám đốc Quản lý Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Giám đốc Điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới đã được mời báo cáo về tình kinh tế và ứng phó dịch bệnh toàn cầu tại Cuộc họp.
Ủng hộ chia sẻ vắc-xin giữa các nền kinh tế
Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác và các giải pháp đa phương trong việc cùng nhau vượt qua khủng hoảng y tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế sáng tạo, bền vững, bao trùm và an toàn. Theo đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí 4 định hướng hành động của APEC trong thời gian tới.
Một là, ủng hộ chia sẻ vắc-xin giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai.
Thứ hai, tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế.
Thứ ba, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kĩ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới.
Thứ tư, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vắc-xin; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.
Kết thúc cuộc họp, các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung về "Vượt qua Covid-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế".
Nghiên cứu việc bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thực tế ứng phó với dịch bệnh trong hơn một năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các nền kinh tế thành viên APEC. Nổi bật là sự đồng tình chung tay hành động của người dân và giữa các nền kinh tế thành viên trong triển khai các biện pháp chống dịch một cách tổng thể, khoa học, đa phương, bao trùm. Chỉ cần một người, một nền kinh tế chưa an toàn về dịch thì cả thể giới sẽ không thể an toàn. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vắc-xin hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vắc-xin có chất lượng. Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững.
Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC - Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước đưa ra 3 đề xuất quan trọng cho hợp tác APEC. Trước hết, triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn. Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vắc-xin; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin ngừa Covid-19. Thứ ba, xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.
Chủ tịch nước khẳng định cam kết của Việt Nam tiếp phối hợp chặt chẽ của các thành viên khác thúc đẩy hợp tác trên tinh thần "Cùng Phối hợp, Cùng Hành động, Cùng Tăng trưởng" vì tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả.
Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá hơn 1 năm qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, thông qua các hoạt động trực tuyến và các nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác, APEC đã thể hiện được vai trò hết thiết thực, có trách nhiệm, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 cũng như phục hồi kinh tế.
Ứng phó với đại dịch Covid-19, APEC đã có sự phối hợp, hợp tác hết sức chặt chẽ thông qua các hình thức linh hoạt như họp trực tuyến, lập ra trang web để cung cấp và chia sẻ thông tin về ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế; chia sẻ những kinh nghiệm và tăng cường hợp tác trong các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ những nhóm người yếu thế và tăng cường nguồn lực tài chính cho các chương trình hợp tác liên quan đến các vấn đề xã hội như tạo việc làm, nâng cao kĩ năng cho người lao động, đặc biệt là lớp trẻ trong khu vực.
Thông qua kênh hợp tác kinh tế - thương mại, APEC cũng đã có nhiều sáng kiến, Tuyên bố cấp Bộ trưởng liên quan đến các vấn đề hết sức cấp thiết, như bảo đảm sự thông suốt của hàng hóa thiết yếu, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa, cam kết hợp tác tăng cường hoạt động của chuỗi cung ứng vắc-xin trong khu vực…
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Trong Năm APEC 2021, Việt Nam đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ với nước chủ nhà New Zealand cũng như các nền kinh tế thành viên APEC trong việc đóng góp ý tưởng vào các chương trình nghị sự chính của Diễn đàn. Việt Nam là một trong những nước đi đầu APEC kêu gọi các nền kinh tế phát triển hơn trong APEC tự nguyện chia sẻ về công nghệ, bảo đảm sự tiếp cận nhanh chóng, công bằng và với chi phí hợp lý về vắc-xin. Việt Nam cũng hợp tác với các thành viên APEC trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho thanh niên.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ phân tích Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực trọng yếu, tập trung các lợi ích lớn, là nơi có những đối tác quan trọng về kinh tế, thương mại và chiến lược của Việt Nam.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Cuộc họp không chính thức của các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng trên nhiều phương diện:
Thứ nhất, chủ đề và nội dung chính của Hội nghị lần này hết sức phù hợp với ưu tiên và quan tâm của Việt Nam cũng các nền kinh tế thành viên. Đó là những vấn đề kinh nghiệm ứng phó với đại dịch - đặc biệt là vấn đề tiếp cận vắc-xin, phục hồi kinh tế, đảm bảo thông suốt của chuỗi cung ứng và các biện pháp hỗ trợ những nhóm người yếu thế trong khó khăn, khủng hoảng này.
Thứ hai, trên cơ sở những định hướng, giải pháp mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đưa ra, Việt Nam sẽ triển khai, cụ thể hóa các cam kết đó thành các hoạt động hợp tác, chương trình hành động ở cả kênh đa phương trong APEC cũng như song phương với các đối tác chiến lược, nhất là những đối tác có nguồn lực và tiềm năng lớn về vắc-xin, tài chính và thị trường.
Thứ ba, là một nền kinh tế đang phát triển năng động và có những đóng góp tích cực trong APEC, như tổ chức thành công các Hội nghị cấp cao APEC năm 2006 và 2017, và có thành công nhất định trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, sự tham gia và đóng góp tích cực của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị tới đây một lần nữa sẽ thể hiện trách nhiệm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam cho hợp tác trong APEC, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước ta, đồng thời góp phần nâng cao vai trò, vị thế của diễn đàn APEC trong cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu.
Một số hình ảnh:
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Cuộc họp không chính thức các nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC - Ảnh: TTXVN
Bình luận (0)