Theo tin từ Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Díaz-Canel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba từ ngày 18 đến 20-9.
Ngay sau đó, từ ngày 21 đến 24-9-2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp quốc (LHQ) Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ công du Cuba và Mỹ - Ảnh: nhandan.vn
Hợp tác sản xuất vắc-xin
Việt Nam và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2-12-1960, hai năm sau khi Cách mạng Cu-ba thành công (1-1-1959). Những năm gần đây, quan hệ đoàn kết truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam - Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực, chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh – quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục-thể thao...
Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau, nổi bật có các chuyến thăm Cu-ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4-2012 và tháng 3-2018)… Trước tác động của đại dịch Covid-19, Lãnh đạo Cấp cao và các Bộ, ngành hai nước tiếp tục duy trì trao đổi qua hình thức trực tuyến, gần đây nhất là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Raúl Castro (9-2-2021); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel (5-5 và 27-7-2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thứ nhất, Chủ tịch nước Miguel Díaz-Canel…
Vào ngày 1-4-2020, Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba (ký ngày 9-11-2018) chính thức đi vào hiệu lực, với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương. Trước những thay đổi về chính sách quản lý kinh tế, môi trường đầu tư của Cuba, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư tại Cuba. Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên Hiệp quốc.
Ngày 23-8 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc điện đàm với Bí thư thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel. Chủ tịch nước đề xuất Lãnh đạo cấp cao hai nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành khắc phục các khó khăn do đại dịch Covid-19. Chủ tịch nước đánh giá cao kinh nghiệm của Cuba trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và kết quả thảo luận giữa hai bên trong cung ứng và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Abdala của Cuba cho Việt Nam; khẳng định hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam-Cuba về vắc-xin phòng Covid-19 sẽ thể hiện sống động tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước trong tình hình hiện nay.
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel khẳng định Cuba hết sức coi trọng hợp tác vắc-xin với Việt Nam, nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vắc-xin Abdala phòng Covid 19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam.
Hiện vắc-xin Abdala bắt đầu được Cuba thử nghiệm pha 1 từ tháng 12-2020 và pha 3 từ tháng 3-2021 trên tổng số 48.000 người từ 19-80 tuổi; Cơ quan kiểm định thuốc và thiết bị y tế Cuba (CECMED) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc-xin Abdala ngày 9-7-2021; đến nay đã có Venezuela ký hợp đồng nhập 12 triệu liều vắc-xin Abdala, đồng thời Mexico, Argentina, Iran và một số nước khác cũng bày tỏ quan tâm nhập khẩu Abdala và/hoặc Soberana 02.
Tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ
Bộ Ngoại giao cho biết trong đại dịch Covid-19, đến nay Việt Nam đã nhận được gần 2,5 triệu liều vắc-xin từ Cơ chế COVAX của LHQ. Các tổ chức LHQ tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam trên trong nhiều lĩnh. Các tổ chức LHQ cũng đưa ra hướng dẫn phòng chống Covid-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội và có 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của Covid-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.
Về phần mình, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ (nhiệm kỳ 2020 - 2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ. Trên cương vị này, Việt Nam đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên HĐBA và phát huy "vai trò kép" Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020.
Việt Nam cũng tích cực phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27-12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 112 quốc gia đồng thuận. Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó Covid-19 của WHO, 500.000 USD cho Chương trình COVAX. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên LHQ nhiễm Covid-19 theo Cơ chế MEDEVAC (Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của LHQ) và tiến tới sẽ thành lập Trung tâm MEDEVAC tại Việt Nam sau khi thỏa thuận, thống nhất các nội dung cụ thể với phía LHQ.
Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh
Bộ Ngoại giao cho biết, về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư Việt Nam - Mỹ tiếp tục duy trì đà phát triển ổn định: thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng mạnh với tổng kim ngạch trong 7 tháng đầu năm 2021 là 62,5 tỉ USD, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt mức 53,6 tỉ USD, tăng gần 34,7% so với cùng kỳ 2020.
Hợp tác y tế là điểm sáng của quan hệ Việt Nam - Mỹ từ năm 2020 đến nay. Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc-xin. Bộ Y tế đã đàm phán thành công để mua 51 triệu liều vắc-xin Pfizer của Mỹ (31 triệu liệu mua tháng 5-2021, 20 triệu liều cho trẻ em từ 12-18 tuổi mua tháng 7-2021), theo đó, 1,2 triệu liều đã được bàn giao cho Việt Nam. Thông qua chương trình COVAX, Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước đầu tiên tiếp nhận vắc-xin trong lô 80 triệu liều mà Mỹ dự kiến tài trợ cho các nước có thu nhập thấp trong tháng 6-2021. Đến nay Mỹ đã chuyển cho phía Việt Nam hơn 6 triệu liều vắc-xin bao gồm 5,1 triệu liều Moderna và hơn 1,05 triệu liều Pfizer (nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Harris…
Ngoài ra, phía Mỹ cũng đề xuất viện trợ bộ xét nghiệm nhanh CUE, 77 tủ lạnh sâu bảo quản vắc-xin phòng Covid-19, chuyển giao công nghệ vắc xin mRNA mới nhất và thuốc điều trị cho đối tác Việt Nam. Phía Mỹ cũng đã khai trương Văn phòng CDC khu vực tại Hà Nội nhân chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris (25-8-2021).
Bình luận (0)